Năm
A
Chúa Nhật Thứ 23 Thường Niên
(Bài 2)
«Nhân vô thập toàn»,
nhưng ai cũng được mời gọi
nên hoàn thiện,
nên ai cũng cần được sửa lỗi
Video: https://www.youtube.com/watch?v=OHzyjAGmn2E&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-
● Ed 33,7-9:
(8) Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng : «Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi
phải chết», mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì
chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ
máu nó.
● Rm 13:8-10: (8) Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân
tương ái ; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.
● TIN MỪNG: Mt
18:15-17
Sửa
lỗi anh em
(15) «Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy
đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã
chinh phục được người anh em. (16) Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay
hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba
chứng nhân. (17) Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu
Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một
người thu thuế.
II. CHIA SẺ
Câu
hỏi gợi ý:
1. Giữa lầm lỗi của mình và của người khác, giữa
việc sửa sai lỗi của mình và sửa sai lỗi người khác, cái nào quan trọng hơn? Có
cần phải sửa lỗi cho anh em mình không? Tại sao?
2. Cộng đoàn, xã hội hay Giáo Hội trong đó mình
đang sống có thể có những sai lỗi không? Mình có trách nhiệm sửa sai tập thể
không?
Suy
tư gợi ý:
1. Trên đời, ai cũng có lỗi. Bản thân
ta cũng có lỗi
Trên đời này, ngoại trừ Đức Giêsu mà ta tin tưởng là
hoàn toàn vô tội và không hề lầm lỗi, thì chẳng ai là người hoàn hảo: «nhân vô thập toàn». Ai cũng có lầm lỗi,
và ai cũng đều được mời gọi «nên hoàn thiện,
như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Vì thế,
ai cũng cần được sửa lỗi.
Tự nhận ra lầm lỗi hay sai trái của mình, rồi tự sửa
đổi, là điều tốt nhất, lý tưởng nhất, nhưng quả rất khó. Tâm lý chung của mọi
người là «thấy cái rác trong con mắt của
người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới» (Mt 7:3). Vì thế,
mình dễ thấy lỗi của người khác hơn lỗi của mình; ngược lại, người khác dễ thấy
lỗi của mình hơn thấy lỗi của họ. Vì thế, để trở nên hoàn thiện, chúng ta hãy
giúp nhau nhìn thấy lỗi của mình, bằng cách người này chỉ lỗi cho người kia.
Chẳng hạn trong gia đình thì vợ chồng chỉ lỗi cho nhau, cha mẹ con cái chỉ lỗi
cho nhau. Trong các cộng đoàn, trong giáo xứ hay trong Giáo Hội cũng vậy.
Điều ấy nói thì dễ, nhưng trong thực tế, không ai
thích người khác chỉ lỗi cho mình. Khi có ai chỉ lỗi cho ta, dù có nhận ra
người ấy nói đúng, ta vẫn cảm thấy bị xúc phạm khiến ta nóng mặt, nổi quạu,
huống gì trường hợp người ấy nói không đúng, hoặc ta không nhận ra người ấy nói
đúng. Vì ai cũng coi «cái tôi» của
mình quá lớn! Người chỉ lỗi cho ta, dù thiện chí, nhiều khi cũng phải hứng chịu
những «trận lôi đình», sự giận hờn,
ác cảm, thậm chí sự trả đũa của ta. Nhưng nếu ta ý thức mình chỉ là con người
bất toàn, có những lầm lỗi mà mình không hề biết, và nếu ta thật sự mong muốn
mình trở nên hoàn thiện, ta sẽ cảm thấy vui mừng và biết ơn khi có người cho ta
biết sự sai trái hay thiếu sót của ta. Sự vui mừng và biết ơn khi được sửa lỗi
là một điểm thực tế để biết mình có thật sự khiêm nhường và thánh thiện không.
2. Ai cũng phải sửa lỗi. Bản thân ta
cũng phải sửa lỗi
Một khi đã nhận ra lỗi của mình, vấn đề kế tiếp là
quyết tâm sửa lỗi. Điều này cũng không luôn luôn dễ dàng, vì những sai lỗi
nhiều khi là những thói quen cố hữu, lâu năm, hoặc phát xuất từ một quan niệm
hay một thành kiến. Bỏ đi một quan niệm hay thành kiến quả rất khó khăn. Ngoài
ra, những sai lỗi có thể gắn liền với một quyền lợi hay một thú vui nào đó –
đôi khi rất lớn – của ta. Từ bỏ sai lỗi nhiều khi đồng nghĩa với từ bỏ một
quyền lợi, một thú vui, một chứng ghiền. Nhưng dẫu thế nào, hễ là điều xấu, là
sai trái, thì ta phải sửa sai, nhất là khi nó tai hại cho tha nhân, xã hội,
hoặc cho chính bản thân ta. Có chịu sửa lỗi, ta mới trở nên hoàn thiện hơn.
3. Sửa lỗi cho người khác là một việc
bác ái
Tự sửa lỗi mình là điều quan trọng nhất trước khi sửa
lỗi người khác. Nhiều người chỉ quan tâm sửa lỗi người khác, còn mình thì…
chẳng bao giờ chịu sửa: «Chân mình những
lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người» (Ca dao). Điều đó
thật đáng mỉa mai! Tuy nhiên, nếu chỉ sửa lỗi mình mà không hề quan tâm giúp
tha nhân sửa lỗi, thì một cách nào đó ta chưa đủ tình thương chân thành đối với
họ. Chính Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng khuyên ta phải sửa lỗi cho
anh em.
Nhưng hãy xét xem động lực nào thúc đẩy ta sửa lỗi
cho anh em? Động lực vị kỷ hay vị tha? Ta muốn sửa lỗi anh em vì yêu thương họ
và muốn họ nên hoàn thiện hơn? Hay ta muốn lên mặt chứng tỏ họ kém ta và ta hơn
họ? Hay ta chỉ muốn giải quyết ổn thỏa sự thiệt thòi khó chịu họ gây ra cho ta?
Cùng là việc sửa lỗi anh em, nhưng một đằng có giá trị yêu thương, được Thiên
Chúa chúc phúc, và người được sửa lỗi đón nhận vui vẻ; một đằng chỉ là một hành
vi ích kỷ, chẳng mấy giá trị trước mặt Thiên Chúa, và thường gây bực tức nơi
người bị sửa lỗi.
4. Phương cách sửa lỗi người khác
Tình thương, tính vị tha là điều hết sức cần thiết
khi ta muốn sửa lỗi anh em. Nhưng không đủ, cần khéo léo, có nghệ thuật, nhất
là thể hiện được tình thương hay đức ái. Đức Giêsu có đưa ra một tiến trình sửa
lỗi anh em.
a) Một mình mình với người anh em có lỗi: «Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì
anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi» (Mt 18:15). Khi ta
có lỗi, ta không muốn lỗi của ta được quảng cáo để ai cũng biết ta có lỗi. Nếu
có ai muốn sửa lỗi cho ta, ta muốn người ấy kín đáo nói với ta, và chỉ nói với
ta thôi, để sau khi sửa lỗi xong, ta như người không hề phạm lỗi ấy. Tại sao ta
không làm như thế khi sửa lỗi người khác? Làm như thế, ta chứng tỏ mình tôn
trọng danh dự và uy tín của người kia, đó là điều tối thiểu của lòng bác ái.
Nếu lầm lỗi ấy chỉ mang tính cá nhân, không gây tại
hại hay tổn thất cho người khác hoặc cộng đoàn, thì ta nên dừng lại ở đây. Bổn
phận bác ái của ta tới đây kể như xong. Hãy để cho đương sự quyền tự do, sửa
lỗi hay không là tùy họ. Ta phải công nhận điều này: ai cũng có một số tật xấu,
sai lỗi, và ai cũng có quyền có một số tật xấu hay sai lỗi nào đó, miễn là
không làm hại đến người khác hay xã hội. Nếu con người trong xã hội không có
quyền này thì xã hội ấy rõ ràng là thiếu tự do, thiếu nhân quyền. Ta cần tôn
trọng tự do của người khác. Chỉ trừ trong gia đình hay trong tu viện: khi con
cái hay tu sinh cần được giáo dục, thì tất cả mọi tật xấu đều cần được sửa sai
cho dù không đến nỗi có hại cho tha nhân hay xã hội.
b) Dùng biện pháp mạnh hơn: «Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để
mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân» (Mt 18:16). Để sửa lỗi,
không phải lúc nào nhỏ nhẹ riêng tư cũng thành công, nhất là khi người được sửa
lỗi không đủ thiện chí, hoặc người sửa lỗi chưa đủ uy tín hay tiếng nói chưa đủ
mạnh. Nếu lầm lỗi này có hại cho nhiều người hoặc cho xã hội, thì người sửa lỗi
có bổn phận phải áp dụng một phương pháp mạnh hơn, nhưng cần tiệm tiến, không
nên đốt giai đoạn.
– Trước hết nên tìm một hai người khác có uy tín và
tình thương đối với người sai lỗi để cùng họ sửa lỗi cho người ấy. Như thế sẽ
có một tiếng nói mạnh hơn khiến người kia phải suy nghĩ và sửa lỗi.
– Nếu vẫn không được thì sao? Đức Giêsu nói: «Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội
Thánh» (Mt 18:17a), nghĩa là nên báo cho những người có trách nhiệm đối
với người ấy. Chẳng hạn trong gia đình thì có cha mẹ, trong giáo xứ thì có cha
sở, trong tu viện thì có cha bề trên, trong giáo phận thì có giám mục, ngoài xã
hội thì có chính quyền hay tòa án các cấp… Nếu là người trong Giáo Hội thì nên
xử lý nội bộ trước, chừng nào không được thì mới nên đưa ra ngoài đời. Nói
chung, sửa lỗi cần phải theo một tiến trình tiệm tiến, từ riêng tư đến công
khai, từ nội bộ ra ngoại bộ, từ nhỏ thành lớn, từ đề nghị thành ép buộc… Không
nên đốt giai đoạn.
c) Biện pháp cuối cùng khi tất cả mọi biện pháp đều
thất bại: Đức Giêsu nói: «Nếu Hội Thánh
mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế»
(Mt 18:17b). Nếu đã tìm đủ mọi cách để sửa lỗi mà đương sự không nghe,
vẫn tiếp tục con đường sai lầm có hại cho tha nhân và cộng đoàn, thì phải dùng
một biện pháp thật mạnh, là loại trừ họ khỏi cộng đoàn, coi họ như người ngoại
hoặc người thiếu thiện chí. Nên nhớ, cho dù có dùng đến biện pháp này, thì biện
pháp này vẫn chỉ là một phương tiện bất đắc dĩ của tình thương, nghĩa là vẫn
phải duy trì họ trong tình thương của mình.
5. Can đảm sửa lỗi cho Giáo Hội và xã
hội
Không chỉ trên bình diện cá nhân mà một tập thể, một
cộng đoàn, một xã hội hay một Giáo Hội cũng có thể sai lỗi và cũng cần được sửa
lỗi.
Nếu cộng đoàn của mình có những khiếm khuyết phương
hại tới trật tự hay sự phát triển chung của chính cộng đoàn, của xã hội hoặc
Giáo Hội, thì các thành viên, nhất là những người lãnh đạo trong cộng đoàn ấy,
có nhiệm vụ tìm cách sửa sai. Sống trong một xã hội có cơ chế bất công, đàn áp,
chỉ phục vụ cho một đảng phái hay một thiểu số, bất chấp quyền lợi của đa số
dân chúng, thì người trong xã hội ấy, nhất là Kitô hữu, có nhiệm vụ tìm cách
cải thiện, đem lại sự công bằng, hợp lý và ổn định cho xã hội.
Nếu trong Giáo Hội mình đang sống có những sai trái,
thì tất cả các thành viên, nhất là hàng giáo phẩm và giáo sĩ, có nhiệm vụ tìm
cách sửa sai để Giáo Hội nên hoàn chỉnh hơn. Chẳng hạn hiện nay Giáo Hội đang
quá quan tâm tới những lễ nghi, hình thức bên ngoài, mà thiếu chiều kích sống
đạo nội tâm: rất cần điều chỉnh lại. Hoặc trong ba chức năng quan trọng ngang
nhau của người Kitô hữu, Giáo Hội đang có chiều hướng chỉ quan trọng hóa chức
năng tư tế (thờ phượng) mà coi nhẹ hoặc bỏ lửng chức năng vương đế (làm chủ
bản thân, gia đình, xã hội, ngoại cảnh) và ngôn sứ (làm chứng
cho Thiên Chúa, cho chân lý, công lý và tình thương). Vì thế,
trong một xã hội đầy bất công và đàn áp, lối sống đạo què quặt như thế có thể
trở thành một thứ thuốc phiện tinh thần làm tê liệt sức đấu tranh cần phải có
của quần chúng để chống lại những bất công hay tệ nạn của xã hội.
Thiết tưởng Giáo Hội cần có những nỗ lực sửa sai hơn
tất cả mọi tổ chức hay thế lực khác, để Giáo Hội trở nên hoàn thiện, vì chính
Giáo Hội luôn luôn rao giảng và cổ võ sự thánh thiện, hoàn hảo như một lệnh
truyền của Đức Kitô. Giáo Hội cần phải làm gương trong lãnh vực này.
III. CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin giúp con ý thức bổn phận trước tiên và
trọng đại nhất của con là trở nên hoàn thiện. Nhưng con không thể nên hoàn
thiện một mình, con cũng có bổn phận giúp người khác, trong đó có những người
chung quanh con, và hơn nữa, cộng đoàn của con, xã hội và Giáo Hội con đang
sống. Tất cả đều được Cha mời gọi nên hoàn thiện. Xin cho con biết khéo léo
trong việc làm cho tha nhân nên hoàn thiện. Amen.
Nguyễn Chính Kết
No comments:
Post a Comment