Monday, January 30, 2023

A-TN6a | Sự khác biệt về trình độ tâm linh giữa Cựu Ước và Tân Ước

Năm A
Chúa nhật thứ 6 Thường Niên

(Bài 1)

Sự khác biệt về trình độ tâm linh
giữa Cựu Ước và Tân Ước

Video: https://www.youtube.com/watch?v=IDE9UoSmGh8&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-

I. ĐỌC LỜI CHÚA

● Hc 15:15-20: (19) Mọi công trình phải hư nát đều tiêu tan hết thảy, và tác giả của chúng cũng theo chúng ra đi.  (20) Phúc thay kẻ nghiền ngẫm khôn ngoan, và biết dùng trí khôn mà suy luận.

● 1Cr 2:6-10: (6) Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong. (7) Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển.

● TIN MỪNG: Mt 5:20-22a, 27-28, 33-34a, 37

Ðức công chính của người theo Chúa

(Khi ấy, Đức Giêsu nói:) (20) Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

(21) Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. (22) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng.

(27) Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. (28) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. 

(33) Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Ðức Chúa. (34) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. (37) Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

II. CHIA SẺ

Suy tư gợi ý

1. Hai khuynh hướng trái ngược
trong tâm thức con người

Sau khi nguyên tổ phạm tội, con người trở nên u tối, có khuynh hướng hướng về điều xấu. Dẫu vậy, được dựng nên «theo hình ảnh của Thiên Chúa» (x. St 1:26-27), nên tự nhiên từ thâm tâm, con người vẫn muốn hướng về điều thiện. Vì thế, cuộc sống con người là một cuộc đấu tranh giữa thiện và ác. Tâm hồn con người một đằng được lực thiện kéo lên, hướng về điều tốt; một đằng bị lực ác kéo xuống, hướng về điều xấu. Được kéo lên hay bị kéo xuống tuỳ theo sự lựa chọn và quyết tâm của con người. Để diễn tả hai lực trái ngược này tác động trên con người, trong đó, do hậu quả của nguyên tội, lực ác có khuynh hướng trội hơn, được thánh Phaolô đã mô tả qua câu: «Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm» (Rm 7:19). Để giải thích tại sao lại như vậy, thánh nhân viết tiếp: «Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội (tức khuynh hướng xấu) vẫn ở trong tôi» (Rm 7:20).

2. Hai mức độ trưởng thành của một con người
tương tự như của một thân cây

Để giúp con người quyết tâm chọn hướng thiện, Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ để hướng dẫn con người. Con người ban đầu tương tự như một đứa trẻ. Tiêu chuẩn để một đứa trẻ được gọi là ngoan, là tốt, chính là vâng lời cha mẹ. Để giúp trẻ ngoan ngoãn, tốt lành, cha mẹ phải áp dụng phương pháp thưởng và phạt: nếu ngoan, biết vâng lời thì được thưởng; nếu hư, không vâng lời thì bị phạt. Chỉ cần thường xuyên vâng lời cha mẹ là đứa trẻ đã được đánh giá là ngoan, là tốt rồi.

Nhưng khi đứa trẻ trở thành một thanh niên, tiêu chuẩn để đánh giá là tốt, là trưởng thành, không còn là tiêu chuẩn cũ hầu đánh giá một đứa trẻ là ngoan ngoãn nữa. Người thanh niên không được đánh giá là trưởng thành khi làm việc gì cũng phải hỏi ý kiến cha mẹ, và vẫn cần phải có thưởng có phạt mới sống tốt được. Một người trưởng thành là một người tự mình có thể phân biệt được đúng sai, phải trái, không cần phải hỏi ý kiến của cha mẹ, mà hành động «tuỳ cơ ứng biến» theo sự hướng dẫn của lương tri. Và động lực để sống tốt không còn là do sự thưởng phạt nữa, mà do cái tâm hướng thiện, hướng đến lẽ phải, tức lương tâm thúc đẩy. Lương tri hay khả năng phân biệt đúng sai, phải trái, và lương tâm hay khả năng hướng thiện sở dĩ có được là nhờ việc giáo dục của cha mẹ lúc còn là một đứa trẻ.

Việc giáo dục thời còn nhỏ tương tự như một cọc thẳng buộc vào cây còn non, khiến cây dựa vào đó mà luôn mọc thẳng lên. Nếu không có cái cọc ấy, cây sẽ bị những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng – như gió thổi, v.v... – khiến nó mọc ngả nghiêng, mọc cong, mọc xéo. Nhưng khi cây đã lớn, các mô mộc trong thân cây đã cứng cát, lúc đó cây đã có thể tự mọc thẳng đứng, những yếu tố bên ngoài không làm cho nó mọc nghiêng ngả được, và người ta có thể bỏ cọc bên ngoài mà cây vẫn luôn luôn mọc thẳng. 

Việc trưởng thành về nhân cách, về tâm lý cũng như về tâm linh của một con người cũng tương tự như vậy.

3. Mức độ trưởng thành tâm linh
của nhân loại tương ứng với thời Cựu Ước

Nhân loại từ khi xuất hiện trên trần gian đến nay cũng trải qua những giai đoạn phát triển tâm linh tương tự như sự phát triển của một đứa trẻ để trở thành một người trưởng thành, hay của một cây non với cái cọc bên ngoài để mọc thẳng lên hầu trở thành một cây trưởng thành.

Thời Cựu Ước, nhân loại giống như một đứa trẻ, muốn nó ngoan thì phải buộc nó vâng lời cha mẹ, và dùng phương pháp thưởng phạt để nó phải vâng lời. Vì thế tiêu chuẩn công chính của Cựu Ước là biết tuân giữ luật Môsê mà Thiên Chúa đã truyền cho ông. Trong trình độ tâm linh này, chỉ cần giữ luật Môsê cho tốt thì đã được đánh giá là công chính. Ông Môsê tuyên bố với dân chúng: «Chúng ta sẽ là người công chính, nếu chúng ta lo đem ra thực hành tất cả mệnh lệnh này trước nhan Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, như Người đã truyền cho chúng ta» (Đnl 6:27)

Có thể nói, với tiêu chuẩn này thì những Luật sĩ và Pharisêu là những người tương đối gương mẫu trong vấn đề giữ luật Môsê, ít nhất về mặt hình thức của lề luật. Tuy nhiên, họ không được Đức Giêsu đánh giá cao vì họ chỉ giữ luật một cách hình thức để được mọi người khen hay nể phục là đạo đức, mà họ không quan tâm đến tinh thần của lề luật. Đức Giêsu đã thẳng thắn chỉ trích họ. Ngài nói với họ: «Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ đi những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, nhân ái và thành thật. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia» (Mt 23:23).

4. Mức độ trưởng thành tâm linh của nhân loại
tương ứng với thời Tân Ước

Dân Do Thái sau hàng ngàn năm sống theo tiêu chuẩn tâm linh của Cựu Ước, tương ứng với sự phát triển của một đứa trẻ, Đức Giêsu đến để nâng cấp trình độ tâm linh của họ lên, để nhân loại trưởng thành hơn về mặt tâm linh, tương ứng với trình độ của một người trưởng thành. Ở trình độ tâm linh này, tiêu chuẩn để được đánh giá là một người công chính, không còn là tiêu chuẩn cũ của thời Cựu Ước nữa, mà cao hơn. Nói về tiêu chuẩn mới này, Đức Giêsu nói: «Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời» (Mt 5:20).  

Thời Cựu Ước, để bị kết án là có tội, thì tội ấy phải được thể hiện ra ngoài thành việc làm. Nhưng theo tiêu chuẩn của Tân Ước, cho dù chỉ có ý định phạm tội trong tâm chứ chưa thể hiện thành hành động thì đã có tội rồi. Thật vậy, Đức Giêsu nói: «Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng» (Mt 5,21-22). «Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi» (Mt 5:27-28)

5. Cách thờ phượng Thiên Chúa thời Tân Ước cao hơn thời Cựu Ước

Thời Cựu Ước, việc thờ phượng Thiên Chúa được thực hiện trong không gian và thời gian được truyền thống quy định, và theo những hình thức bên ngoài. Còn thời Tân Ước, việc thờ phượng Thiên Chúa được thực hiện ngay trong tâm hồn. Thật vậy, khi người phụ nữ Samari đặt vấn nạn với Đức Giêsu: «Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này (tức tại Garizim)còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi thờ phượng Thiên Chúa» (Ga 4:20), thì Đức Giêsu đã trả lời: «Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem (...) Nhưng giờ đã đến và chính lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Ga 4:21.23-24).

6. Cựu Ước chủ hình thức bề ngoài,
Tân Ước chủ nội dung bên trong

Nói chung, khi tâm thức còn thấp, thì con người quan tâm đến hình thức bên ngoài nhiều hơn, nhưng khi tâm thức cao hơn, con người đặt nặng nội dung bên trong hơn. Về mặt tâm linh điều ấy càng đúng hơn. Hình thức bên ngoài đúng ra phải phù hợp với nội dung bên trong thì mới là chân thật. Nhưng kinh nghiệm cho ta thấy, nơi những kẻ giả hình, hình thức bên ngoài rất tốt đẹp có thể là để che dấu một nội tâm không đẹp bên trong, đó là sự giả dối. Chính vì thế, Đức Giêsu chủ trương, «Giờ đã đến và chính lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật» (Ga 4:23). «Trong thần khí» nghĩa là bằng tâm linh, trong nội tâm của mình; «trong sự thật» nghĩa là hình thức bên ngoài phải phù hợp với nội dung bên trong.

Khi thờ phượng Thiên Chúa, mà chỉ thờ phượng bằng thể chất bên ngoài, qua lời kinh ngoài miệng khi quỳ gối trong nhà thờ, nhưng tâm hồn thì du ngoạn ở đâu đâu, hoặc nghĩ đến chuyện khác, đó không phải là thờ phượng «trong thần khí và sự thật». Ngoài miệng thì nói «lạy Chúa con yêu mến Chúa» hay tuyên xưng đức tin rất mạnh mẽ, vững chắc, nhưng khi lương tâm đòi buộc thể hiện tình yêu hay đức tin bằng hành động thì hành động như người không tin, không yêu, đó không phải là thờ phượng «trong sự thật».

7. Chúng ta đang sống trong thời Tân Ước
chứ không phải Cựu Ước

Đức Giêsu đến cách đây đã hơn 2000 năm để nâng cấp tâm linh của nhân loại lên, để nhân loại không còn sống trong trình độ của con người thời Cựu Ước nữa. Nhưng dường như ngay cả trong Giáo Hội, con người vẫn sống theo tinh thần thấp thỏi thời Cựu Ước. Việc thờ phượng Thiên Chúa với những nghi thức bên ngoài thật trang trọng, thật tôn nghiêm, với số người tham dự thật đông đảo, nhưng nhiều trường hợp không phù hợp với tâm tình bên trong, không khiến con người thật sự gặp gỡ Thiên Chúa, không có khả năng biến đổi xã hội hay thế giới như «men trong bột» (Mt 13:33), như «muối cho đời», (Mt 5:13), như «ánh sáng cho trần gian» (Mt 5:14)

Phải chăng trong việc sống đạo của chúng ta, cái ruột bên trong không đúng với cái vỏ bên ngoài? Phải chăng cách thờ phượng Thiên Chúa của chúng ta đáng để Thiên Chúa than phiền như Ngôn sứ Isaia từng diễn tả: «Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe» (Is 1:15). Phải chăng vì chúng ta không «tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ» (Is 1:17)?

Chính vì thế, chúng ta cần phải xét lại cách sống đạo cũng như cách thờ phượng Thiên Chúa của chúng ta.

III. CẦU NGUYỆN

Lay Cha, Đức Giêsu đã đến để nâng cấp tâm linh nhân loại cách đây đã trên 2000 năm rồi, để nhân loại thờ phượng Cha «trong thần khí và sự thật», đặt nặng bên trong hơn bên ngoài, coi nội dung quan trọng hơn hình thức... Nhưng dường như cho tới nay, đã thế kỷ thứ 21 rồi, chúng con vẫn sống tinh thần của thời Cựu Ước, thậm chí chưa hiểu được sự nâng cấp tâm linh của Đức Giêsu hệ tại điều gì. Xin Cha giúp con và những Kitô hữu khác biết sống đạo và thờ phượng Cha «trong thần khí và sự thật» như Đức Giêsu đã từng mong muốn. Amen.

Nguyễn Chính Kết

http://1234chiase.blogspot.com/

_________________

Xin mời đọc bài 2 để tham khảo:

«Cuộc Cách mạng Tâm linh của Đức Giêsu»

https://cstm-nam-a.blogspot.com/2023/01/a-tn6b.html 

 


No comments:

Post a Comment