Tuesday, May 2, 2023

A-PS 5b | Nước Trời đòi hỏi tinh thần sẵn sàng chấp nhận khác biệt nơi tha nhân

 

Năm A
Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh

(Bài 2)

Nước Trời đòi hỏi
tinh thần sẵn sàng
chấp nhận khác biệt nơi tha nhân

 Video: https://www.youtube.com/watch?v=n7oFjbkR2fI&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-

I. ĐỌC LỜI CHÚA

● Cv 2:14a, 36-41:  (36) Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này : “Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.”

● 1Pr 2:20b-25: (24) Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.

● TIN MỪNG: Ga 14:1-12

Nói với các môn đệ sau tiệc ly

(Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ:) «(1) Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. (2) Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi don chỗ cho anh em.  (3) Nếu Thầy đi don chỗ cho anh em, thì Thầy lai đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.  (4) Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi».

 (5) Ông Tôma nói với Đức Giêsu: «Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đươc đường?»  (6) Đức Giêsu đáp: «Chính Thầy là con đường, là sư thật và là sư sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.  (7) Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người».

 (8) Ông Philípphê nói: «Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện».  (9) Đức Giêsu trả lời: «Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lai nói: 'Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha'?  (10) Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.  (11) Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.  (12) Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm đươc những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.

II. CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa Ba Ngôi, Ba Ngôi đa dạng và khác biệt nhau, Ngài tạo dựng nên vũ trụ cũng vô cùng đa dạng và đầy khác biệt. Điều đó có ý nghĩa gì? Trong bối cảnh ấy, câu nói của Đức Giêsu: «Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở» có ý nghĩa gì?

2.  Đức Giêsu nói: «Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha». Chúa Cha vô hình, Đức Giêsu hữu hình, sao lại nói như thế được? Câu này phải hiểu thế nào?

3.  Bây giờ đâu ai thấy Đức Giêsu nữa. Vậy thì có cách gì khác để thấy Thiên Chúa? Có thể nói: «Ai thấy tha nhân là thấy Chúa Cha» không? Tại sao?

Suy tư gợi ý:

1. «Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em ở trong nhà Cha Thầy»

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu cho biết Ngài đi là để dọn chỗ cho anh em ở trong nhà Cha Thầy. Ðây là một trong những lời cáo biệt của Ngài với các môn đệ trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn và chết trên thật giá. Vì thế, chữ «đi» ở đây có nghĩa là đi vào đau khổ và cái chết. «Dọn chỗ cho anh em trong nhà Cha Thầy» có nghĩa là chuẩn bị sự sống đời đời cho con người. Như vậy, Ðức Giêsu đã dùng sự đau khổ và sự chết để chuẩn bị sự sống đời đời cho con người. Nói cách khác, nhờ đau khổ và cái chết, Ngài trở thành con đường dẫn tới sự sống đời đời.

Ngài đã phải đau khổ và chết mới có thể đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Phần chúng ta, để hưởng được sự sống đời đời ấy, chúng ta cũng phải góp một phần nào hy sinh và đau khổ của mình vào khi quyết tâm sống phù hợp với sự đòi hỏi của tình yêu. Tình yêu ở đây là tình yêu đối với Thiên Chúa được cụ thể hóa thành tình yêu đối với tha nhân. Tình yêu luôn đòi hỏi phải được chứng tỏ cụ thể bằng đau khổ và hy sinh. Không chấp nhận đau khổ và hy sinh cho ai hết có nghĩa là không yêu ai cả. Nhưng yêu cũng là chấp nhận sự khác biệt của người mình yêu.

2. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở

Ðức Giêsu phải chịu đau khổ và chết không phải chỉ để cứu rỗi hay đem lại sự sống đời đời cho một mình ta, hay nhóm của ta, cộng đoàn của ta, Giáo Hội của ta, hoặc những người có cùng khuynh hướng với ta. Ngài muốn cứu tất cả mọi người, mọi khuynh hướng, mọi cộng đoàn, mọi tập thể. khác nhau. Thánh Phaolô viết: «Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý» (1Tm 2,4). Ðiều đó đã được Ðức Giêsu tỏ cho biết trong câu: «Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở» (Ga 14:2). Nhiều chỗ ở có nghĩa là dung nạp được nhiều: nhiều người, nhiều chủng tộc, nhiều màu da, nhiều khuynh hướng (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm linh, tôn giáo, v.v...).

Nhìn trong thế giới tự nhiên này, ta thấy sự vật hết sức đa dạng, nghĩa là đủ loài đủ kiểu, rất khác biệt nhau. Thế giới sẽ trở nên đơn điệu và buồn tẻ biết bao nếu thiếu sự đa dạng và khác biệt ấy. Hãy thử tưởng tượng xem: nếu trên đời chỉ có một loài hoa duy nhất cho dù hết sức đẹp, hoa nào cũng giống y hệt hoa nào, thì chúng đâu thỏa mãn nhu cầu thích cái đẹp của con người như khi có hàng trăm ngàn loài hoa khác nhau như trong thế giới ta đang sống đây! Thế giới này sẽ ra sao nếu chỉ có một loài chim, một loại cá, hay tệ hơn, chỉ có một loài thú duy nhất?

Thế giới tuy đa dạng và đầy khác biệt, các loài các vật trong đó vẫn luôn luôn hài hòa, bổ túc cho nhau, ăn khớp với nhau. Nếu thế giới tự nhiên đầy bất toàn này mà còn phong phú đa dạng như thế, còn có sự hài hòa giữa những khác biệt như thế, thì sự sống đời đời hay thiên đàng, là một thực tại hoàn hảo, ắt nhiên phải phong phú, đa dạng và nhất là hài hòa hơn biết bao!

Vì thế, ngay ở đời này, chúng ta cũng cần trang bị cho mình một tinh thần sẵn sàng chấp nhận mọi khác biệt nơi những người chung quanh chúng ta. Chính Thiên Chúa đã dựng nên con người và vạn vật đầy khác biệt như thế. Vì thế, mọi thành viên của Thiên Ðàng đều phải có khả năng chấp nhận khác biệt rất cao độ để sự hài hòa giữa những khác biệt ấy trở nên hoàn hảo. Ðiều ấy đòi hỏi họ phải có tình yêu và lòng bao dung cao độ. Nếu không có tình yêu và lòng bao dung, thiên đàng không còn là thiên đàng nữa, sự sống đời đời không còn là hạnh phúc nữa.

Nếu ta đang giận hờn ai, không muốn nhìn mặt ai, ghét cay ghét đắng ai, và chủ trương không thể sống chung với họ, không thể cùng đội chung một bầu trời với họ, v.v..., hãy tự hỏi: nếu cả hai gặp nhau trên thiên đàng, ta sẽ đối xử với người ấy thế nào? Người ấy cũng được Thiên Chúa và Ðức Giêsu yêu thương, cứu chuộc, tha thứ như ta. Nếu lúc ấy ta không thể nhìn người ấy với tình yêu thương anh em, thì chính ta là người không xứng đáng ở thiên đàng. Với sự thù hận và ác cảm ấy, ta chỉ làm cho thiên đàng bị ô nhiễm và không còn là nơi hạnh phúc nữa. Ta đáng ở một nơi khác không phải là thiên đàng. Vì thiên đàng chỉ thích hợp với những con người tràn đầy yêu thương. Vậy, muốn là công dân của thiên đàng, thì ngay ở trần gian này, hãy tập yêu thương và sống hài hòa với những người khác biệt chúng ta. Muốn thế, ta phải nhìn thấy Thiên Chúa nơi tha nhân.

3. «Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha» (Ga 14:9)

Câu nói ấy của Ðức Giêsu chắc hẳn đã làm cho các tông đồ hết sức ngạc nhiên. Thấy Ðức Giêsu cũng chính là thấy Chúa Cha, vì Ðức Giêsu chính là hiện thân, là hình ảnh trung thực của Chúa Cha. Người ta có thể thấy được tình yêu của Chúa Cha qua tình yêu của Ðức Giêsu, thấy được vẻ đáng yêu của Chúa Cha qua sự đáng yêu của Ðức Giêsu, v.v... Và một cách nào đó, Ðức Giêsu cũng chính là Chúa Cha, vì cả hai cùng là một Thiên Chúa duy nhất. Các tông đồ có diễm phúc nhìn thấy Ðức Giêsu, sống với Ngài, cảm nghiệm Ngài, nên cũng là nhìn thấy, sống với và cảm nghiệm chính Thiên Chúa Cha.

Còn chúng ta, chúng ta không có diễm phúc ấy. Tuy nhiên, nếu chúng ta có tình yêu và đức tin, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa hay Ðức Giêsu nơi bất cứ người nào ta gặp trong cuộc đời. Cho dù người ấy là ai, thương ta hay ghét ta, làm lợi cho ta hay hại ta, thánh thiện hay tội lỗi, dễ thương hay dễ ghét, miễn họ là con người, thì họ đều là hình ảnh của Thiên Chúa với nhiều mức độ trung thực khác nhau.

Ðức Giêsu muốn ta yêu thương họ, bất kể họ thế nào, bất kể họ khác biệt ta đến mức độ nào, vì chính Ngài cũng yêu thương họ, muốn cứu chuộc họ, phục vụ họ. Ngài đã tự đồng hóa Ngài với họ đến nỗi ai làm gì cho họ thì cũng là làm cho chính Ngài, không làm cho họ thì cũng là không làm cho chính Ngài (x. Mt 10,40; 18,5; 25,40.45; Lc 10,16). Ngài cũng rất ước muốn được yêu thương họ bằng trái tim ta, nói với họ, an ủi họ bằng miệng lưỡi ta, và làm việc cho họ, phục vụ họ bằng đôi tay của ta. Ngài chỉ thực hiện được ước muốn đó nếu ta cho phép và hợp tác với Ngài. Vậy bạn có muốn Ngài dùng bạn như một khí cụ để yêu thương của Ngài không?

III. CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhà Cha có rất nhiều chỗ có thể dung nạp được rất nhiều người với rất nhiều khuynh hướng khác biệt. Xin Cha cho tâm hồn con, lòng trí con cũng có nhiều chỗ để có thể dung nạp được tất cả mọi người là anh chị em con, với nhiều khuynh hướng, tính khí, chủ trương khác nhau. Xin cho con biết chấp nhận mọi người như họ đang là, để yêu thương họ bất chấp họ như thế nào. Xin cho con yêu thương họ giống như Cha đã yêu thương họ và đã yêu thương con.

Nguyễn Chính Kết

http://1234chiase.blogspot.com/

_______________

Để trở về bài 1: 
Cha của Đức Giêsu và Nhà của Ngài
Web: https://cstm-nam-a.blogspot.com/2023/05/a-ps-5a.html
Video: https://www.youtube.com/watch?v=hc5o8X50dxk&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-

No comments:

Post a Comment