Saturday, June 10, 2023

A-TN11b | Người tông đồ đích thực phải là người mau mắn làm theo ý muốn của Chúa

 

Năm A
Chúa Nhật Thứ 11 Thường Niên

(Bài 2)

Người tông đồ đích thực
phải là người mau mắn
làm theo ý muốn của Chúa

 Video: https://www.youtube.com/watch?v=NJlqHzvo-ck&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-

I. ÐỌC LỜI CHÚA

Xh 19:2-6a: (5) Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. (6) Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh.

Rm 5:6-11: (10) Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.

● TIN MỪNG: Mt 9:36–10:8

Đức Giêsu sai mười hai Tông Đồ
đi rao giảng Tin Mừng

(36) Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. (37) Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: «Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. (38) Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về».

(1) Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. (2) Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; (3) ông Philípphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Mátthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; (4) ông Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Íscariốt, là chính kẻ nộp Người. (5) Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:

«Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. (6) Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. (7) Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. (8) Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy».

II. CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Tình trạng họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt chỉ có vào thời Ðức Giêsu, hay vẫn còn tồn tại đến ngày nay? Bạn có cảm thấy mình có trách nhiệm khi tình trạng này đang tồn tại trong xã hội và Giáo Hội không?

2.   Những người được Ðức Giêsu chọn làm môn đệ có gì đặc sắc, xuất chúng không? Tại sao họ lại làm nên lịch sử như thế?

3.   Trước tình trạng thiếu thợ gặt, bạn có nghe thấy lời mời gọi của Ðức Giêsu ngỏ với chính bạn không? Bạn có đáp lại không?

Suy tư gợi ý:

1.   Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay là câu: «Ðức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt» (Mt 9:36). Ta ngạc nhiên tự hỏi: Tại sao thế? Ðạo Do Thái đã đào tạo nên biết bao tư tế, kinh sư, luật sĩ, Pharisêu, họ là những người lãnh đạo tinh thần, lãnh đạo tôn giáo. Sao lại có tình trạng «họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt?» Như thế thì các tư tế, kinh sư, luật sĩ, Pharisêu có mặt trong xã hội Do Thái để làm gì? Ðức Giêsu nói như thế có động chạm gì đến họ không?

Nói xưa lại nghĩ đến nay, liệu ngày nay, sau khi Ðức Giêsu xuống thế 20 thế kỷ, tình trạng ấy có còn hay không, khi mà trong Giáo Hội có biết bao nhiêu là linh mục, giám mục, tu sĩ? Liệu tình trạng thừa kinh sư, thừa luật sĩ, nhưng vẫn thiếu những người chăn dắt có còn không? Nghĩa là có tình trạng thừa linh mục, thừa giám mục, thừa tu sĩ, nhưng vẫn thiếu tông đồ, thiếu ngôn sứ, thiếu mục tử, thiếu người thật sự lo cho dân chúng chăng? Ðây là câu hỏi mà mỗi người Kitô hữu từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân nên tự suy nghĩ và trả lời trước mặt Chúa. Nếu quả thật có tình trạng ấy, thì ngay cả người giáo dân nhỏ bé nhất trong Giáo Hội cũng có trách nhiệm. Tương tự như câu «quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách!»

Thiết tưởng chúng ta cần phải xin Thiên Chúa sai đến trong xã hội những tông đồ, mục tử hay ngôn sứ đích thực, biết thật sự yêu thương dân chúng, quan tâm và sẵn sàng hy sinh lo cho đời sống tâm linh cũng như thể chất của họ, dám nói sự thật để bênh vực họ là những kẻ bị đàn áp và thiệt thòi nhất trong xã hội, nghĩa là biết sẵn sàng «hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên» (Ga 10,11). Chứ không chỉ xin Chúa ban cho Giáo Hội những linh mục hay giám mục chỉ biết làm các bí tích và giảng dạy! hay các tu sĩ chỉ biết học hành, nghiên cứu, cầu nguyện trong nhà dòng! Có lẽ cần phân biệt hai loại phạm trù, vì tông đồ và mục tử không nhất thiết cứ phải là linh mục hay giám mục, và linh mục hay giám mục không hẳn lúc nào cũng là những tông đồ hay mục tử! Thiết tưởng, Giáo Hội, cụ thể là các chủng viện, cần ý thức sứ mạng của mình là đào tạo nên những tông đồ, những mục tử, những ngôn sứ đích thực, hơn là chỉ tạo nên những con người. hành nghề linh mục, chỉ biết quan tâm làm một số công việc cố định nào có thù lao hay quyền lợi mà thôi!

Sự thường và theo lý thì các linh mục, các giám mục cũng là những tông đồ, mục tử hay ngôn sứ, và mọi người đều rất có lý khi hiểu như thế. Nhưng dẫu sao cũng phải đau lòng mà công nhận rằng trong Giáo Hội vẫn có những linh mục hay giám mục không phải là tông đồ, chẳng phải mục tử hay ngôn sứ như thiên chức đã lãnh nhận đòi buộc. Ðương nhiên trong các tôn giáo khác cũng có tình trạng tương tự như thế. Tình trạng ấy dường như luôn luôn xảy ra ở mọi nơi, mọi thời!

2.   Cách chọn môn đệ của Ðức Giêsu

Ðể đáp ứng tình trạng thiếu thợ gặt, Ðức Giêsu đã mời gọi nhiều người làm tông đồ, làm mục tử, ngôn sứ và trực tiếp đào tạo họ. Nhưng cách lựa chọn của Ngài không giống như cách của loài người. Ðức Giêsu là một ông đạo, một đạo sư hoàn toàn không trường lớp, không được đào tạo về tôn giáo, về Kinh Thánh hay Lề Luật theo kiểu loài người như các thầy tư tế, luật sĩ và người Pharisêu. Do đó Ngài không có một bằng cấp gì về tôn giáo cả (x. Ga 7,15). Và các môn đệ Ngài chọn đều là những người ít học (x. Cv 4,13), đa số làm nghề đánh bắt cá, một nghề không cần trình độ văn hóa. Ngài cũng không chọn và mời gọi một ai trong số các tư tế, luật sĩ và người Pharisêu - là những người có bằng cấp về tôn giáo - làm môn đệ Ngài cả. Theo cách nghĩ của trần thế, xem ra Ngài chẳng khôn ngoan tí nào, vì những người không trình độ như thế thì làm nên trò trống gì?!

Ðó là xét về khả năng. Còn về luân lý đạo đức thì mấy tông đồ cũng chẳng có gì đặc biệt. Cứ nghe mấy ông tranh nhau về việc ngồi bên hữu bên tả Ðức Giêsu khi Ngài làm vua (Mt 20:21-23; Mc 10:37-40), hay thấy mấy ông trốn chạy hết khi ngài bị bắt (Mt 26:56b; Mc 14:50), thậm chí Phêrô sẵn sàng chối Thầy những ba lần trước một phụ nữ yếu đuối (Mt 26:69-75), v.v. ta thấy về mặt nghĩa khí các ông còn thua xa những người như Trần hưng Ðạo, Lê Lai, Bùi thị Xuân, v.v... Khó hiểu nhất nhất là trường hợp chọn Mát-thêu, một người thu thuế mà nói chung bị xã hội khinh bỉ, mặc dù có thể ông rất giàu có.

Trái với suy nghĩ của con người, những môn đệ có vẻ tầm thường, mà cũng có thể thật sự tầm thường này đã làm thay đổi thế giới, các ông đã làm được những việc hết sức vĩ đại. Cách Thiên Chúa làm quả thật rất khác với cách của con người! Còn những kẻ có vẻ đầy khả năng, có vẻ đạo cao đức cả như những tư tế, luật sĩ, Pharisêu kia thì nhiều lắm là làm được một số những việc cao hơn bình thường một chút, đôi khi cũng lạ thường, nhưng chẳng thể so sánh được với các tông đồ. Ðiều này khiến chúng ta phải thay đổi cách quan niệm của mình về cách nhìn người hay dùng người, nhất là cách Chúa dùng chính chúng ta trong công việc của Ngài.

3. Vì sao những người tầm thường ấy
lại trở nên vĩ đại?

Thiên Chúa rất cần và cần rất nhiều người cộng tác với Ngài để cứu độ và phục vụ thế giới, để biến đổi và đem hạnh phúc đến cho thế giới. Công việc của Ngài thật vĩ đại. Ngài có thể mời gọi bất kỳ ai Ngài muốn, theo sự tự do của Ngài, để cộng tác với Ngài trong công việc vĩ đại này. Ngài có thể mời gọi những người rất tài giỏi, đạo cao đức cả, mà cũng có thể mời gọi những người rất tầm thường cả về tài năng lẫn đạo đức. Và không nhất thiết ai sẽ làm được việc hơn ai!

Ðể làm được việc cho Ngài, điều quan trọng không phải là tài năng hay đạo đức cá nhân của ta. Mà trước hết là thái độ nhanh nhẹn và quảng đại đáp lại lời mời gọi của Ngài. Kế đó là tinh thần tự hủy, khiêm tốn, ngoan ngùy của ta trong tay Ngài, để Ngài tự do biến đổi và sử dụng ta như một dụng cụ hoàn toàn theo ý Ngài. Các tông đồ của Ðức Giêsu ai cũng nhanh nhẹn đáp lại lời mời gọi của Ngài, không so đo tính toán (x. Mt 4:20.23; 9:9; Ga 1:43-51). Các ông sẵn sàng bỏ cả công ăn việc làm, bỏ cả cha mẹ, vợ con, anh em, bỏ mọi sự (x. Mt 19:27; Mc 10:28) đi theo Ðức Giêsu sống bụi đời, bữa đói bữa no, vất vả, nay đây mai đó khắp đất nước Do Thái, để nghe Ngài nói, để được Ngài dạy dỗ, huấn luyện.

Về tài năng, đức độ, rất có thể các ông kém chúng ta, nhưng về sự quảng đại và nhanh nhẹn đáp lại lời mời gọi của Ðức Giêsu, về niềm tin vào Ngài ngay từ khi mới gặp Ngài đến hết cuộc đời, thì các ông đáng là gương mẫu cho chúng ta. Chính nhờ sự quảng đại, niềm tin, sự trung thành và phó thác đó, các ông đã lãnh nhận được Thần Khí của Ðức Giêsu, nhất là khi Thánh Thần hiện xuống trên các ông sau khi Ðức Giêsu về trời. Nhờ hoàn toàn để mặc Thánh Thần tự do biến đổi theo ý Ngài, các ông đã trở nên những con người phi thường, có tài năng và tình yêu hơn những người mà trước đó đã từng hơn các ông vượt bậc. Vậy, điều quan trọng để trở nên tông đồ, mục tử hay ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa không phải là tài năng hay đức độ cho bằng sự quên mình, hủy mình, để mặc Thánh Thần Ngài tự do biến đổi ta. Cha sở họ Ars - thánh Gioan Vianney - là một bằng chứng hùng hồn cho điều này.

Ý thức được tình trạng thiếu thốn tông đồ, mục tử hay ngôn sứ đích thực trong Giáo Hội và thế giới, chắc chắn chúng ta sẽ nghe thấy lời mời gọi của Ðức Giêsu. Cho dù ta là giáo dân, giáo sĩ hay tu sĩ, Ngài cũng vẫn mời ta trở nên những tông đồ, những mục tử hay ngôn sứ để làm việc cho Ngài ngay trong môi trường chúng ta đang sống. Ðừng bao giờ nghĩ rằng là giáo dân thì không thể làm tông đồ, mục tử hay ngôn sứ được! Chính Ðức Giêsu, Mẹ Maria, các tông đồ, các ngôn sứ xưa có mấy ai ở trong hàng ngũ tư tế hay tu sĩ Do Thái đâu! Nhưng chính các Ngài mới là những tông đồ, mục tử hay ngôn sứ tuyệt hảo nhất! Các Ngài có cần phải vào chủng viện hay đi tu, chịu chức linh mục hay giám mục rồi mới có thể trở nên như thế đâu?

Trước tình trạng thiếu thợ gặt hiện nay, Ðức Giêsu đang mời gọi chính bạn đấy! Bạn có đáp lại lời mời gọi ấy như các tông đồ xưa không?

III. CẦU NGUYỆN

Có lần tôi nghe Ðức Giêsu nói với tôi: Tại sao con lại nghĩ một giáo dân như con thì không thể làm tông đồ, mục tử hay ngôn sứ? Con vẫn có thể trở nên như thế, một cách vô danh nhưng đích thực, mà không cần phải làm linh mục hay tu sĩ gì cả. Chắc gì khi con là linh mục hay tu sĩ thì con sẽ là tông đồ, mục tử hay ngôn sứ đích thật?! Thầy mời gọi con đấy! Miễn là con cứ để Thầy biến đổi con theo ý Thầy, đừng xen ý riêng của con vào thì mọi sự đều tốt đẹp.     

Nguyễn Chính Kết

http://1234chiase.blogspot.com/

 _______________

Để trở về bài 1: 

Người tông đồ đích thực phải là người có lý tưởng tông đồ 

Web: https://cstm-nam-a.blogspot.com/2023/06/a-tn11a.html
Video: https://www.youtube.com/watch?v=1tam70pr5t4&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-


 

No comments:

Post a Comment