Năm
A
Chúa Nhật thứ 12 Thường Niên
(Bài 1)
Tình
yêu giúp ta
thắng vượt sợ hãi
●
Gr 20:10-13: (11) Đức Chúa hằng ở bên con như một trang
chiến sĩ oai hùng. Vì thế, những kẻ từng hại con sẽ thật điên bát đảo, sẽ không
thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề.
●
Rm 5:12-15: (15) sự Sa ngã của Ađam không thể nào sánh
được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã,
mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất
là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.
● TIN MỪNG: Mt 10:26-33
Hãy
nói giữa ban ngày, đừng có sợ
(26) «Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra,
không có gì che dấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ
không biết. (27) Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa
ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.
(28) «Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà
không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn
lẫn xác trong hỏa ngục. (29) Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải
không? Thế mà, không một con rào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. (30) Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc
trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. (31) Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá
hơn muôn vàn chim sẻ.
(32) «Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt
thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự
trên trời. (33) Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối
người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời».
II. CHIA SẺ
Câu
hỏi gợi ý :
1. Cảm thấy sợ hãi khi gặp nguy hiểm là điều tốt
hay xấu? Tại sao?
2. Trước hai tệ hại – cái lớn cái nhỏ – mà ta
không thể tránh cả hai, thì ta nên đón nhận cái nào? Khi chịu cái hại nhỏ để
tránh được cái hại lớn, thì ta nên vui lòng đón nhận hay miễn cưỡng chấp nhận?
3. Cái gì khiến cho một người mẹ xông vào đám
cháy để cứu con mình? Tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại có thể giúp ta
thắng vượt sợ hãi không?
4. Thiên Chúa có quan tâm tới ta khi ta chấp
nhận nguy hiểm vì tình yêu Ngài không?
Suy
tư gợi ý :
1. Biết sợ hãi là một ơn huệ của Thiên
Chúa
Một trong những điều rất thông thường
thuộc bản năng của con người là biết sợ hãi. Bản năng biết sợ hãi là do Thiên
Chúa đặt để ngay trong bản tính con người, nhờ đó con người – và cả loài vật
nữa – mới biết tự vệ và tránh được những khó khăn, bất lợi, tai nạn, đau khổ,
chết chóc có thể xảy đến với mình. Bản năng biết sợ ấy là điều tốt lành: Thiên
Chúa muốn con người biết sợ hãi, và có rất nhiều nỗi sợ hãi là tốt lành, đẹp
lòng Thiên Chúa. Thật vậy, sau khi tạo dựng con người. Ngài đã nói với con
người: «Hết mọi trái cây trong vườn,
ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không
được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết» (St
2:16-17). Qua câu Thánh Kinh này, ta thấy Thiên Chúa
muốn con người biết sợ chết, và việc xa tránh cái chết bằng cách vâng lời Thiên
Chúa là một sự khôn ngoan. Trong một số trường hợp nào đó, người không biết sợ
có thể là do thiếu trí khôn, thiếu sáng suốt, không nhận ra những nguy hiểm
đang xảy đến với mình. Người ta thường dùng từ ngữ «điếc không sợ súng» để chỉ những người này.
2. Phải sợ cái đáng sợ hơn,
và chấp nhận cái tệ hại nhỏ hơn
Tuy nhiên giữa những điều tệ hại, có những
tệ hại nhỏ hơn và có những tệ hại lớn hơn. Người khôn ngoan là người nhận định
chính xác tệ hại nào lớn hơn, tệ hại nào nhỏ hơn. Khi có hai điều tệ hại mà ta
không thể tránh được cả hai, thì người khôn ngoan phải biết sợ và tránh điều tệ
hại lớn hơn cho dù chưa xảy đến, vì nó gây đau khổ nhiều hơn; đồng thời biết
chấp nhận tệ hại nhỏ hơn cho dù nó sẽ xảy ra ngay trước mắt. Thật là ngu xuẩn nếu
ta tránh tệ hại nhỏ để phải chịu tệ hại lớn hơn.
Tuy nhiên, người có bản lãnh, có trí tuệ,
mặc dù biết sợ, nhưng luôn luôn làm chủ được bản năng biết sợ của
mình để can đảm chấp nhận những tệ hại nhỏ hơn trước mắt hầu tránh được những
tệ hại lớn hơn; hoặc can đảm chấp nhận những tệ hại cho cá nhân mình hầu tránh
những tệ hại lớn hơn cho tập thể hay xã hội. Một khi đã nhận thức và chấp nhận
điều tệ hại nhỏ hơn, thì ta không còn sợ hãi nó nữa.
Cần phân biệt giữa hèn và nhát. Nhát thường là do bản năng sợ khổ, sợ
chết; ai cũng nhát, không nhiều thì ít; người nhát là người sợ khổ, sợ chết hơn người bình thường. Người hèn là người sợ khổ, sợ chết đến nỗi
không dám làm theo đòi hỏi của lương tâm, của tình yêu, hoặc sẵn sàng tránh
những tệ hại nhỏ cho cá nhân mình để bắt cả xã hội hay tập thể phải gánh chịu
những tệ hại lớn lao vì mình… Cũng cần phân biệt: người nhát gan vẫn có thể không hèn, mà người bạo gan đôi khi lại rất hèn. Người hèn thì đáng trách về mặt luân lý, còn người nhát thì không.
Đức tin giúp chúng ta nhận ra được rằng:
tệ hại lớn nhất trên đời là những gì làm thiệt hại cho linh hồn mình, cho sự
sống vĩnh cửu của mình đời sau. Vì thế, người có đức tin có thể chấp nhận dễ
dàng những tệ hại chóng qua ở đời này hầu đạt được những lợi ích lâu dài cho
đời sống vĩnh cửu mai hậu. Trong chiều hướng này, Đức Giêsu khuyên ta: «Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác
mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả
hồn lẫn xác trong hỏa ngục» (Mt 10:28).
Bị giết chết thân xác là một trong những điều đáng sợ nhất ở đời này, nhưng với
cái nhìn sâu xa của đức tin thì bị «tiêu
diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục» còn đáng sợ hơn bội phần. Vì thế, thà
bị giết thân xác mà cứu được linh hồn mình thì vẫn có lợi hơn. Nhưng than ôi,
biết bao người lại sẵn sàng chấp nhận bị «tiêu
diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục» để tránh khỏi cái khổ cực hay cái chết
thể xác, hoặc để thân xác được hưởng những vui sướng chóng qua ở đời này. Trước
mặt thế gian, họ được coi là khôn ngoan, nhưng trước mặt Thiên Chúa, họ là
những kẻ ngu xuẩn nhất.
3. Tình yêu giải phóng khỏi sợ hãi
Tuy nhiên, chỉ biết so sánh giữa hai tệ
hại để tránh tệ hại lớn và chấp nhận tệ hại nhỏ thì có vẻ tính toán quá. Thiên
Chúa muốn ta hành động theo sự thúc đẩy của tình thương chứ không chỉ theo sự
co cụm của sợ hãi, hay theo sự tính toán hơn thiệt. Thánh Gioan viết: «Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại,
tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ
hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo» (1Ga 4:18).
Tình yêu giúp ta vượt thắng sợ hãi, để không còn sợ hãi nữa. Hình ảnh một bà mẹ
yếu ớt và thường bị coi là nhát gan, lại không ngần ngại xông vào căn nhà đang
cháy để cứu đứa con của mình đang bị mắc kẹt trong đó là một minh họa sống động
nói lên điều ấy. Chính khi thắng được sợ hãi để thể hiện tình yêu, ta mới chứng
tỏ được tình yêu ấy là lớn lao và chân thật. Người Mỹ có câu: «Friend in need, friend indeed» (bạn
lúc cùng khốn là bạn thật). Tình yêu – đối với Thiên Chúa và tha
nhân – có thắng vượt được sợ hãi mới chứng tỏ là tình yêu chân thực. Thắng vượt
được nỗi sợ càng lớn bao nhiêu thì tình yêu của ta càng chứng tỏ được là lớn
lao bấy nhiêu.
Chính nhờ tình yêu và lòng nhiệt thành với
Thiên Chúa và tha nhân mà ta dám chấp nhận tất cả. Nó giúp ta vượt được những
nỗi sợ hãi mà thế gian có thể gây cho ta khi loan báo Tin Mừng, khi làm tông
đồ, khi tranh đấu cho chân lý, công lý và tình thương. Càng sẵn sàng chấp nhận
đau khổ, sẵn sàng «vác thánh giá» vì
yêu thương, ta càng bớt sợ hãi. Tình yêu càng tăng thì sợ hãi càng giảm; do đó
sở dĩ ta sợ hãi nhiều là do ta yêu thương ít.
4. Niềm tin vào sự quan phòng giúp ta
bớt sợ hãi
Nhưng không phải là cứ chứng tỏ tình yêu
bất chấp nguy hiểm thì chắc chắn ta sẽ gặp phải nguy hiểm và khốn khổ đâu. Vì
Thiên Chúa luôn quan phòng và chở che ta. Đức Giêsu nói: Loài chim sẻ chẳng
đáng giá bao nhiêu thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Thiên
Chúa, huống chi chúng ta là những con người quý giá hơn chim sẻ vô cùng (x.
Mt 10:29-31; Lc 12:6-7). Chúng ta quý giá trước mặt Thiên Chúa
đến nỗi Ngài đã hy sinh Con của Ngài để chúng ta được sống, như thánh Gioan
viết: «Ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết nhưng được sống muôn đời» (Ga 3,16);
hay như thánh Phaolô quả quyết: «Đức Kitô
đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi» (Rm
5,8; x. 1Cr 15,3). Vì thế, không có gì xảy ra cho chúng ta mà không do
ý muốn yêu thương của Ngài. Do đó, ta đừng sợ khi tình yêu đòi hỏi ta
phải dấn thân, khi lòng nhiệt thành tông đồ thúc đẩy ta phải mạnh dạn rao
giảng, khi tình yêu đối với người nghèo khổ thúc giục ta phải tranh đấu, lên
tiếng cho công lý, chống lại áp bức bất công.
5. Đừng quá sợ nguy hiểm
khi làm việc cho Thiên Chúa
Khi sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng,
Đức Giêsu đã báo trước những khó khăn mà các ông sẽ gặp phải: «Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy
sói» (Mt 10:16); «Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội
đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để
làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết» (Mt 10:17-18).
Nếu Đức Giêsu đã gặp nguy hiểm và bị bách hại, chắc chắn những người tiếp tục
sứ mạng của Ngài cũng phải như vậy: «Trò
không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá
lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là quỉ vương Bendêbun, huống chi là người
nhà» (Mt 10:24-25). Nhưng trong bài Tin
Mừng này Đức Giêsu đã lập lại 3 lần câu «đừng
sợ!» (Mt 10:26.28.31).
Trước nguy hiểm mà đừng sợ sao được? Chỉ
có tình yêu và hạnh phúc do tình yêu ấy đem lại mới giúp ta thắng vượt sợ hãi
và chấp nhận nguy hiểm: «Phúc thay anh em
khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em
hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại
như thế» (Mt 5:11-12). Hoạn nạn vẫn có thể
xảy ra để trắc nghiệm niềm tin và lòng trung thành của ta đối với Thiên Chúa: «Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù
ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát» (Mt
10:22). Đau khổ vì Ngài, hay chết vì Ngài không bao giờ là vô ích:
«Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ sống
với Ngài; nếu ta cùng đau khổ với Ngài, ta sẽ thống trị với Ngài» (2Tm
2:11-12; x Rm 6:8; 8:17). Và «những
đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc
khải nơi chúng ta» (Rm 8:18).
III. CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con cảm nghiệm được tình
yêu vô biên của Cha dành cho con. Cho con biết đáp lại tình yêu ấy một cách
quảng đại bằng sự dấn thân không sợ hãi cho công việc của Cha, cho việc tạo
bình an và hạnh phúc cho những người chung quanh con. Xin cho con dám chấp nhận
mọi đau khổ có thể xảy đến vì sự dấn thân của con. Chỉ như thế con mới chứng tỏ
được tình yêu của con đối với Cha và với mọi người là chân thực.
Nguyễn Chính Kết
http://1234chiase.blogspot.com/
_______________
Để đọc tiếp bài 2:
Các Kitô hữu đừng
bỏ quên chức vụ ngôn sứ mà mình đã nhận lãnh khi chịu phép Thánh Tẩy
● https://cstm-nam-a.blogspot.com/2023/06/a-tn12b.html
No comments:
Post a Comment