Tuesday, June 20, 2023

A-TN12b | Các Kitô hữu đừng lãng quên chức vụ ngôn sứ mà mình đã nhận lãnh khi chịu phép Thánh Tẩy

  

Năm A
Chúa Nhật Thứ 12 Thường Niên

(Bài 2)

Các Kitô hữu đừng lãng quên
chức vụ ngôn sứ
mà mình đã nhận lãnh
khi chịu phép Thánh Tẩy

 

1. ĐỌC LỜI CHÚA

Gr 20:10-13: (11) Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.

Rm 5:12-15: (15) Sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.

● TIN MỪNG: Mt 10:26-33

Hãy nói giữa ban ngày, đừng sợ

(26) «Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che dấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. (27) Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

(28) «Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. (29) Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con rào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. (30) Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. (31) Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

(32) «Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. (33) Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời».

II. CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.  Phải can đảm thì mới làm ngôn sứ được, hay là phải quyết tâm làm ngôn sứ thì mới phát sinh lòng can đảm? Câu nào đúng hơn?

2.  Bạn có quan tâm đến nghĩa vụ ngôn sứ (tức làm chứng cho Thiên Chúa, cho Đức Giêsu, cho chân lý, công lý và tình thương) trong đời sống không?

3.  Làm sao để đừng sợ khi phải làm chứng cho Thiên Chúa, cho chân lý, công lý và tình thương?

Suy tư gợi ý:

Bài Tin Mừng hôm nay nói về đức «vô úy» (tức không sợ) hay «can đảm» mà người Kitô hữu sẽ có khi quyết tâm thi hành nghĩa vụ vương đế (làm chủ) và ngôn sứ (làm chứng) mà họ đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Bài Tin Mừng hôm nay nói rất mạnh đến sứ mạng của chúng ta là làm chứng cho Đức Giêsu: «Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng» (Mt 10:27). Sứ mạng ấy không phải là ta muốn làm hay không tùy ý ta, mà nó có thể đem đến những kết quả tốt: «Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy» (Mt 10:32), hoặc hậu quả xấu: «Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy» (Mt 10:33).

1. Nghĩa vụ ngôn sứ trong đời sống Kitô hữu

Đây là một nghĩa vụ quan trọng nhưng người Kitô hữu thường lãng quên, phần lớn là do những người có trách nhiệm giáo dục trong Giáo Hội chưa quan tâm nhắc nhở hay nhấn mạnh đủ. Nói chung, người ta có khuynh hướng giản lược Kitô giáo vào nghĩa vụ tư tế (tức làm lễ, hay thờ phượng Chúa) mà bỏ quên hai nghĩa vụ còn lại là:

– vương đế (tức làm chủ bản thân, gia đình, xã hội và Giáo Hội), và

– ngôn sứ (tức làm chứng cho Thiên Chúa, cho chân lý, công lý và tình thương bằng lời nói và nhất là bằng đời sống).

Thật vậy, người ta thường coi việc đọc kinh, cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích quan trọng hơn cả việc sống cho có tình có nghĩa với người khác. Nhiều mục tử coi bổn phận cử hành các bí tích cho con chiên còn quan trọng hơn cả việc làm chứng cho chân lý, công lý và tình thương, hơn cả nghĩa vụ bênh vực con chiên mình khi họ bị ức hiếp, đối xử bất công. Thậm chí hai nghĩa vụ sau không còn được coi là nghĩa vụ nữa. Hành xử như thế, người Kitô hữu đang trình bày cho thế giới bằng chính đời sống mình một thứ Kitô giáo què quặt, biến dạng, méo mó, một thứ Kitô giáo «thuốc phiện», đầy tính ru ngủ… Kitô giáo đó khác hẳn với thứ Kitô giáo do Đức Giêsu thiết lập, một Kitô giáo coi trọng sự thật, công lý, tình thương, mang nặng tính dấn thân và phục vụ.

Chúng ta cùng xét lại xem trong ba nghĩa vụ ấy Đức Giêsu coi nghĩa vụ nào là quan trọng ưu tiên. Ngài nói: «Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế» (Mt 9:13); hay «Những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và sự chân thật» (Mt 23:23b); Ngài còn nhấn mạnh: «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 6:23-24); Ngài còn xác quyết bản chất của những ai theo Ngài: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13:35), chứ không phải ở việc làm dấu thánh giá, hay việc cầu nguyện, đi lễ, rước lễ, mặc dù những việc này không được bỏ hay coi thường (x. Mt 23:23c).

Bổn phận ưu tiên phải làm chứng cho tình yêu, nghĩa là phải thật sự yêu thương anh chị em mình – là hiện thân của Đức Giêsu – cũng được Thánh Gioan Kim Khẩu nhấn mạnh: «Anh em có muốn tôn kính thân thể Chúa Kitô không? Vậy thì đừng bỏ qua Ngài khi thấy Ngài trần truồng. Đừng tôn vinh Ngài với đủ gấm vóc lụa là trong đền thờ, trong khi lại bỏ mặc Ngài đang run lạnh và trần truồng ngoài trời. Đấng đã từng nói “Đây là mình Thầy” cũng chính là Đấng sẽ nói “Các ngươi đã thấy ta đói mà không cho ăn”… Có ích gì khi bàn Thánh Thể thì chất nặng những chén lễ bằng vàng, trong khi Đức Kitô đang hấp hối vì đói khát? Hãy cho Ngài hết đói khát đã, rồi mới lấy những gì còn lại mà trang hoàng bàn thờ!» (Tông huấn Giáo Hội tại châu Á, số 41§2). Có phải nhiều người chúng ta trong thực tế đã quan niệm và hành xử khác hẳn hay ngược lại không?

Dù vô tình hay cố ý, sự giản lược hay bỏ quên hai nghĩa vụ sau rất dễ hiểu, vì trong bất kỳ tôn giáo nào, việc thờ cúng hay cầu xin thần linh cũng hứa hẹn nhiều lợi lộc (về thiêng liêng cũng như vật chất) cho người thi hành nó. Động lực thúc đẩy người ta thờ cúng hay cầu xin nhiều khi là vị kỷ, vì ích lợi cá nhân cho dù là thiêng liêng. Và sự quan trọng hóa việc thờ cúng thần linh chẳng những không làm mất mát gì cho giới tăng lữ mà còn đem lại cho họ rất nhiều quyền và lợi. Còn hai nghĩa vụ kia mang tính vị tha, đòi hỏi tất cả những ai muốn thi hành nó phải xả thân, hy sinh, chấp nhận mất mát, thiệt thòi. Tuy nhiên, hai nghĩa vụ này rất cần thiết cho quyền lợi chung của con người, của xã hội và Giáo Hội. Muốn thi hành hai nghĩa vụ này, cần phải «dám», phải «vô úy», phải «không sợ», phải can đảm chấp nhận đau thương. Đừng nghĩ rằng có đức «vô úy» rồi thì ta mới thi hành được nghĩa vụ ngôn sứ, mà hãy nghĩ rằng ta sẽ có nhân đức này khi quyết tâm thi hành nghĩa vụ ấy. Đừng sợ rằng mình không có can đảm, hãy sợ rằng mình không muốn can đảm.

2. Tại sao lại «đừng sợ»?

Đức Giêsu đưa ra một số lý do để khuyên ta đừng sợ:

a) Phải sợ Thiên Chúa hơn sợ người ta

Ngài đã đưa ra một nỗi sợ lớn hơn để tiêu diệt nỗi sợ nhỏ hơn. Ngài nói: «Đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục» (Mt 10:28). Thật vậy, rất có thể một ngày nào đấy Vua Giêsu nói với ta: «Quân bị nguyền rủa kia, hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn…» (Mt 25,41tt). Hoặc «Phường hèn nhát kia, hãy xéo khỏi mặt Ta, vì các ngươi đã không dám làm chứng, không dám nói sự thật để bênh vực công lý, bênh vực Ta khi Ta bị đàn áp, bách hại, hàm oan…». Bài Tin Mừng cũng nói: «Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy» (Mt 10:33). Nghĩ như thế, ta sẽ có thêm can đảm để nói và làm những gì cần phải nói phải làm. Không chịu chấp nhận tai họa nhỏ để rồi phải chấp nhận một tai họa lớn gấp bội thì thật là ngu xuẩn!

b) Phải tin vào phẩm giá cao quý của mình và tình thương quan phòng của Thiên Chúa

Con người – nhất là người Kitô hữu – là «con cái Thiên Chúa» (Mt 5:15; Rm 8:14.16; Gl 3:26; 4:6), được dựng nên «giống như Ngài» (St 1:26), «theo hình ảnh của Ngài» (St 1:26.27), được «thông phần bản tính Thiên Chúa» (1Pr 1:4), được Thiên Chúa yêu thương (x. Ga 3:16; 1Ga 3:1). Như vậy, con người có một phẩm giá hết sức cao quí. Cao quí đến nỗi Thiên Chúa đã phải sai Con Một mình xuống thế chịu chết cho con người (x. Rm 5:6-8; 1Cr 15:3). Đức Giêsu nói: «Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào», thế mà «không một con nào rơi xuống đất ngoài thánh ý Thiên Chúa» (Mt 10:29). Là con cái Thiên Chúa, được thông phần bản tính Ngài, ta quí giá hơn chim sẻ hàng tỷ lần. Đức Giêsu xác nhận: «Anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ», đến nỗi «tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi» (Mt 10:30-31)! Như vậy, có chuyện gì xảy đến với ta khi ta làm chứng cho Ngài lại không do thánh ý Ngài?

3. Xét mình

Như vậy, nếu có đức tin, ta sẽ không sợ. Nhưng liệu ta có đủ đức tin để không sợ hầu làm chứng cho Thiên Chúa, cho chân lý, công lý chăng? Rất có thể ngoài miệng ta tuyên xưng đức tin rất mạnh mẽ, đồng thời sẵn sàng kết án những kẻ tuyên xưng khác với ta. Nhưng nếu thành thực xét lại niềm tin của ta vào sự quan phòng của Thiên Chúa để dám dấn thân thật sự, rất có thể ta lại thấy đức tin ta còn yếu kém hơn cả những kẻ ta kết án! Và để khỏi phải dấn thân như đức tin và lương tâm đòi hỏi, ta thường nại vào sự khôn ngoan và thận trọng. Nhưng quả thật khó mà xác định được lằn ranh giữa khôn ngoan và hèn nhát! Ta có thể nhân danh sự khôn ngoan để có thể hèn nhát «một cách có lý» hầu không ai chê trách được! Và cũng như thầy tư tế, thầy Lê-vi và người Do Thái trong dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10:30-37), ta có thể nhân danh nghĩa vụ tư tế (tức làm lễ, thờ phượng Chúa) để khỏi phải làm nghĩa vụ ngôn sứ (tức làm chứng) của mình. Đó quả là vấn đề tế nhị của lương tâm mà mỗi Kitô hữu cần năng tự vấn!

III. CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con là người nhút nhát, nhưng con lại không muốn sống hèn nhát, không muốn trở nên một thằng hèn. Con muốn yêu Cha, yêu Đức Giêsu và yêu thương tha nhân nhiều hơn nữa, vì chỉ có tình yêu mới làm cho con can đảm thật sự. Cũng như người mẹ vì yêu thương con mà trở nên vô cùng can đảm, sẵn sàng chấp nhận đau khổ và cả cái chết khi con mình gặp nguy hiểm. Xin hãy ban thêm sức mạnh tâm linh cho con để con yêu nhiều hơn nữa, hầu con can đảm dám làm chứng cho tình yêu mà một người theo Chúa phải có! Amen.

Nguyễn Chính Kết

No comments:

Post a Comment