Năm
A
Chúa Nhật thứ 18 Thường Niên
(Bài 2)
Người
Kitô hữu phải biết
«chạnh lòng thương»
rồi biến cảm xúc ấy
thành hành động
Video: https://www.youtube.com/watch?v=RILx7_UyWTg&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-
● Is 55:1-3: (1) Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn
đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không
phải trả đồng nào.
● Rm 8:35.37-39: (38) Tôi tin chắc rằng, cho dầu là sự chết hay sự sống,
thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh
nào, (39) trời cao
hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng
ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.
● TIN MỪNG: Mt
14:13-21
Đức
Giêsu hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất
(13) Nghe tin ấy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền
đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các
thành đi bộ mà theo Người. (14) Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người
đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.
(15) Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: «Nơi
đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các
làng mạc mua lấy thức ăn». (16) Đức Giêsu bảo: «Họ không cần phải đi đâu cả, chính
anh em hãy cho họ ăn». (17) Các ông đáp: «Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm
cái bánh và hai con cá!» (18) Người bảo: «Đem lại đây cho Thầy!» (19) Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống
cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc
tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. (20) Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn
thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. (21) Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà
và trẻ con.
II. CHIA SẺ
Câu
hỏi gợi ý:
1. Nếu bạn ở trong trường hợp Đức Giêsu, đứng
trước một đám dân chúng đông đảo từ các thành thị đến nghe mình, bạn có «chạnh lòng thương» không? Sự cảm thương
ấy có thúc đẩy bạn làm một điều gì cụ thể cho họ không?
2. Những cảm xúc, bức xúc, bất mãn, than phiền,
chỉ trích của bạn trước đau khổ, bất công, sự ác… có khiến bạn suy nghĩ, tìm
cách giải quyết hay cải thiện tình trạng ấy bằng một hành động cụ thể không?
Bạn có thấy mình có trách nhiệm chút nào trước tình trạng xấu ấy không?
Suy
tư gợi ý:
1. Tình thương của Đức Giêsu
đối với dân chúng, đồng bào
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy Đức Giêsu – Thầy
của chúng ta – là một người thật hấp dẫn. Ngài không hề tìm cách quyến rũ dân
chúng, nhưng dân chúng tự nguyện đến với Ngài. Bài Tin Mừng cho thấy chính lúc
Ngài muốn tìm một nơi hoang vắng để nghỉ ngơi hay cầu nguyện, thì rất đông dân
chúng từ các thành thị đi bộ đến tìm kiếm Ngài. Dân chúng đông đến mức nào thì
cuối bài Tin Mừng cho biết: chỉ riêng đàn ông đã có tới 5000 người, còn phụ nữ
và trẻ em, theo tâm lý thường tình, hẳn phải đông bằng hoặc đông hơn.
Ở nơi Đức Giêsu có điều gì khiến Ngài hấp dẫn dân
chúng đến như vậy? Ngài ăn nói rất có duyên chăng? Lời giảng dạy của Ngài đầy
minh triết và rất thiết thực chăng? Hay vì họ tò mò muốn được xem Ngài làm phép
lạ? Tất cả những lý do đó chắc chắn đều đúng, và có thể lý do sau cùng là sự tò
mò muốn xem phép lạ là mạnh hơn cả.
Nhưng còn một yếu tố nữa rất quan trọng mà bài Tin
Mừng hôm nay tỏ cho ta thấy, đó là tình thương bao la của Ngài đối với dân
chúng. Tình thương ấy đã được diễn tả súc tích trong câu: «Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và
chữa lành các bệnh nhân của họ» (Mt 14:14). Từ ngữ «chạnh
lòng thương» nói lên tính rất nhân bản đầy tình người của Đức Giêsu. Đó
không phải là một tình cảm thoáng qua, mà là một động lực mạnh thúc đẩy Ngài đi
đến hành động tức khắc là «chữa lành các
bệnh nhân của họ», và đã cho họ ăn để họ khỏi bụng đói về nhà.
2. Xét lại bản thân, xã hội và Giáo Hội
Nói tới đây, thiết tưởng chúng ta – những người lấy
Đức Giêsu làm gương mẫu cho cuộc đời mình, đặc biệt những người lãnh đạo dân
chúng – thử xét lại xem tình thương của ta thế nào đối với tha nhân, đối với
vợ/chồng và con cái mình, đối với những người mình có bổn phận chăn dắt, bảo
vệ, giáo dục… Trước những nhu cầu không được thỏa mãn, những đau khổ hay bệnh
tật của họ, trước những bất công trong xã hội và Giáo Hội đang đè nặng trên họ,
ta có cảm thấy xót xa, bức xúc, «chạnh
lòng thương» như Đức Giêsu không?
Xã hội hiện nay đầy đau khổ, nghèo khó, bất công,
chính vì quá thiếu những con người biết «chạnh
lòng thương», biết xả thân, biết ra tay hành động! Vì rất nhiều vị lãnh đạo
chỉ biết an vị với cái «ghế» của mình
để an hưởng lợi lộc, chứ không còn nhạy cảm hay bức xúc trước nỗi khổ đau của
người khác! Vì động lực của rất nhiều người khi vào hội này đảng kia, khi phấn
đấu để có được chức này chức nọ, hay khi đi tu, khi vào chủng viện, chỉ là ước
muốn có một đời sống dễ dãi, có nhiều điều kiện để thăng tiến trong xã hội hay
Giáo Hội, hầu sống nhàn nhã trên đầu trên cổ người khác, chứ không phải là tinh
thần yêu thương, muốn phục vụ như Đức Giêsu.
Nếu «đầu vào»
(input) là những người như thế thì «đầu ra» (output) làm sao có được những con người
dấn thân thật sự cho tha nhân, dám sống chết cho xã hội hay Giáo Hội? Đây quả
là một vấn đề xã hội và Giáo Hội: những người được tuyển chọn để được đào tạo
trở nên những người lãnh đạo, những người được dành cho nhiều cơ may để tiến
thân trong xã hội và Giáo Hội, đúng ra phải là những người có khả năng «chạnh lòng thương», biết bức xúc trước
những nhu cầu, đau khổ của người khác, trước những bất công trong xã hội hay
Giáo Hội. Không nên để «đầu vào» là
những người ích kỷ, thản nhiên trước mọi đau khổ và bất công, cho dù về mặt
luân lý họ được kể là người tốt, thậm chí «đạo
đức» hiểu theo nghĩa thông thường!
3.
Hãy biến thương cảm thành hành động
Đức Giêsu không chỉ «chạnh lòng thương», chảy nước mắt trước nhu cầu cần được thỏa mãn
và đau khổ của người khác, để sau đó bó tay không làm gì cả, mặc cho họ ra sao
thì ra. Ngài có thể viện cớ mình là một ông đạo, chỉ chuyên lo về mặt tâm linh
của con người, để khỏi phải lo cho họ những nhu cầu khác. Nhưng Ngài đã không
làm thế! Ngài đã lo cả những nhu cầu thể chất, vật chất cho họ: nào là chữa
bệnh, cho họ ăn, nào là trừ quỉ ám, làm kẻ chết sống lại, thậm chí cứu cảnh hết
rượu đột ngột trong tiệc cưới nữa… Chính vì thế, dân chúng mới cảm thấy Ngài
yêu thương họ đích thực. Tình thương đích thực không tự giới hạn về mặt nào cả.
Không một người nào thương một người khác đích thật mà lại nói với người ấy: «Tôi chỉ thương bạn về mặt tâm linh (hoặc vật chất…) mà thôi!», và đành
chấp nhận không can thiệp gì cả khi người kia cần đến mình về mặt khác! Tình
thương «kiểu công chức» ấy không phải
là tình thương đích thực!
Người Kitô hữu cần phải biết bức xúc như Đức Giêsu
trước nhu cầu và đau khổ của người khác. Không chỉ như thế, còn phải bắt chước
Ngài trong việc biến nỗi bức xúc ấy thành hành động thực tế. Ngài muốn tập cho
các môn đệ điều ấy khi gợi ý cho các ông: «Họ
không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn» (Mt 14:16).
Trước đau khổ hay nhu cầu của người khác, nhiều khi
ta cũng cảm thấy «chạnh lòng thương»,
chảy nước mắt. Nhưng ta cũng cần tự hỏi xem tình cảm ấy có thật sự thúc đẩy ta
đi đến hành động, thúc đẩy ta phải làm một cái gì cho họ không? hay ta đành
chấp nhận «án binh bất động»? Có bao
giờ ta chưa thử làm, thậm chí chưa thử nghĩ xem có cách nào để làm không, thì
đã tự cho rằng mình không thể làm gì được? rằng mình bị giới hạn đủ kiểu đủ
cách? – Đừng sợ mình không làm được, hãy sợ rằng mình không muốn làm, hay không
đủ tình thương để làm! Vì quả thật, hễ muốn làm, hễ có tình thương thật sự,
mình sẽ làm được rất nhiều việc!
Thử nghĩ xem: một phụ nữ yếu đuối sẽ làm gì khi thấy
con ruột mình bị kẹt trong nhà đang bị cháy? Có phải vì nàng thấy mình không
thể vào cứu được, nên đành để mặc con chết cháy trong đó mà không làm gì cả
không? Nhiều phụ nữ đã bất chấp khả năng của mình, cứ xông đại vào căn nhà
cháy, và cuối cùng đã cứu được con ra! Tình thương quá mạnh đã khiến nàng làm
được điều mà bình thường nàng không thể làm. Hoặc nếu không trực tiếp xông vào
nhà để cứu con, thì nàng sẽ tìm đủ cách để huy động cho bằng được người này
người kia làm thay nàng. Hoặc nếu con nàng bị tai nạn, cần một món tiền lớn mới
có thể khỏi chết hay khỏi thương tật suốt đời, mà hiện nay nàng không có tiền…
Liệu có phải vì thế mà nàng đành không làm gì cả, để mặc con mình chết hay mang
thương tật suốt đời không?
4. Hãy biến những bất mãn, những lời
than phiền
thành những hành động tốt và khôn ngoan
Rất nhiều lần chúng ta than phiền về xã hội, về Giáo
Hội, về gia đình mình, về người này người kia: nào là xã hội bất công, Giáo Hội
trì trệ, gia đình chia rẽ, người này xấu, người kia bất tài, v.v… Nhưng sau đó
chúng ta chẳng làm gì để cải thiện tình trạng đáng than phiền ấy cả. Như thế,
những than phiền ấy chẳng ích lợi gì cả, thậm chí còn gây ra chia rẽ, hiểu lầm,
gây bực bội, va chạm… Cách tốt hơn, thay vì than phiền, nói xấu, chỉ trích, tỏ
ra bất mãn, ta hãy suy nghĩ xem mình có thể làm gì để cải thiện tình trạng xấu
đó, rồi bắt đầu đem ra làm. Là người Kitô hữu, chúng ta cần có một thái độ tích
cực trước sự ác, sự xấu, sự dữ, nghĩa là trước tội ác, đau khổ, bất công, bệnh
tật, nghèo đói… «Thà đốt lên ngọn nến
nhỏ, còn hơn ngồi không mà nguyền rủa bóng tối» (ý của một
bài hát Hướng Đạo).
Trước bất kỳ sự xấu ác nào xảy ra trước mắt, trong
gia đình hay ngoài xã hội, trong xứ đạo hay trong Giáo Hội, hãy luôn luôn nghĩ
rằng mình có trách nhiệm. Rất có thể, phần nào hay cách nào đó, mình là nguyên
nhân – trực tiếp hay gián tiếp – của sự xấu ác ấy. cfffVà mình luôn luôn được
mời gọi góp phần làm cho sự xấu ác ấy giảm bớt hay mất hẳn bằng một hành động
cụ thể nào đấy. Vô tình quá, nghĩ rằng mình vô can hay không có trách nhiệm gì,
không khéo, thứ đạo đức của chúng ta vô tình và ít nhiều trùng hợp với thứ đạo
đức của Phi-la-tô. Thấy Đức Giêsu bị hàm oan, bị ghen ghét và kết án bất công,
thay vì ra tay cứu Ngài, thì ông lại «lấy
nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói : “Ta vô can trong vụ đổ máu người này”»
(Mt 27,24).
III. CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, nhiều khi con thắc mắc: tại sao Đức Giêsu
lại làm được phép lạ hóa bánh ra nhiều như thế? Con nghĩ một phần là do quyền
năng của Ngài, vì Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng một phần khác vì Ngài có tình
thương đích thực và bao la đối với dân chúng. Tình thương có thể làm nên những
phép lạ! Con còn nghèo tình thương lắm, xin Cha ban thêm tình thương cho con!
Nguyễn Chính Kết
http://1234chiase.blogspot.com/
_______________
Để trở về bài 1:
A-TN18a | Hãy yêu thương và chủ động làm những gì tình yêu đòi hỏi
Web: https://cstm-nam-a.blogspot.com/2023/07/a-18a.html
Video: https://www.youtube.com/watch?v=5zPtSVYbjgo&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-
No comments:
Post a Comment