Năm A
Chúa Nhật Thứ 15 Thường Niên
(Bài 1)
Luật Nhân Quả
trong đời sống tâm linh
Web: https://cstm-nam-a.blogspot.com/2023/07/atn15a.html
Video: https://www.youtube.com/watch?v=YnB_n4iRg7M&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-
● Is 55:10-11: (11) Một khi xuất phát từ miệng Ta, Lời Ta sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.
● Rm 8:18-23: (18) Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.
● TIN MỪNG: Mt 13:1-23
Dụ ngôn người gieo giống
(1) Hôm ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. (2) Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. (3) Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.
Người nói: «Người gieo giống đi ra gieo giống. (4) Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. (5) Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; (6) nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. (7) Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. (8) Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. (9) Ai có tai thì nghe».
Tại sao Đức Giêsu
dùng dụ ngôn mà nói?
(10) Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu rằng: «Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?» (11) Người đáp: «Bởi vì anh em được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. (12) Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất. (13) Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu. (14) Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; (15) vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.
(16) «Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. (17) Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.
Giải nghĩa dụ ngôn người gieo giống
(18) «Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. (19) Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. (20) Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. (21) Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. (22) Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. (23) Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục».
II. CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Muốn có cây lúa hay những bông lúa tốt, ta phải gieo hạt gì? Tương tự, muốn có sự sống đời đời, ta phải gieo «nhân» gì? «Nhân» phát sinh sự sống đời đời là gì?
2. Có «nhân» tốt thì đã đủ để có «quả» tốt chưa? Có hạt giống tốt nhưng không chịu cày bừa, tưới nước, bón phân, làm cỏ thì có kết quả không? Có «nhân» phát sinh sự sống đời đời đã đủ để có sự sống ấy chua? Cần gì nữa?
Suy tư gợi ý:
1. Lý thuyết «nhân» và «duyên»
Dụ ngôn gieo giống của Đức Giêsu khiến người ta nghĩ đến thuyết nhân duyên của Phật giáo. Muốn có được cây lúa, điều tối quan trọng là phải có hạt giống lúa, đó chính là «nhân» để có «quả» là cây lúa. Nhưng hạt lúa không thể nảy mầm và phát triển nếu không có những điều kiện thuận lợi như: đất tốt, nước, nhiệt độ, ánh sáng, hoặc phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, v. v… Những điều kiện ấy gọi là «duyên». Nếu những điều kiện để phát triển ấy hết sức thuận lợi mà không có hạt giống lúa thì cũng không bao giờ có được cây lúa. Như vậy, phải hội đủ «nhân» và «duyên» thì mới có thể sinh ra «quả» mong muốn.
2. Nhân nào quả nấy
Điều quan trọng nhất để có «quả» mà ta mong muốn, là ta phải có «nhân» tương ứng với «quả». Muốn có quả sầu riêng, ta phải dùng hạt sầu riêng để trồng, không thể trồng hạt mít mà ra cây hay trái sầu riêng được. Muốn có trái sầu riêng thơm, ngon, to, ta không chỉ cần trồng hạt sầu riêng, mà còn phải trồng loại hạt sầu riêng thật tốt. Hạt tốt mới sinh ra trái tốt được. Đức Giêsu cũng đã từng nói về luật nhân quả này: «Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt» (Mt 7:16-18).
Vậy muốn đạt được mục đích, ta phải xác định mục đích của ta – tức «quả» mà ta muốn vun trồng – là gì? Sau đó phải tìm «nhân» hay hạt giống thích hợp, và cuối cùng là phải tạo «duyên» hay điều kiện thuận lợi. Đối với người Kitô hữu, mục đích cuối cùng của con người chính là Thiên Chúa, cũng là sự sống đời đời, là hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu. Muốn đạt được, ta cần phải xác định thật rõ mục đích ấy cho suốt cả đời mình. Nếu «quả» là sự sống đời đời hay hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu, thì «nhân» hay hạt giống phát sinh ra «quả» ấy là gì?
3. «Nhân» hay hạt giống
sinh ra «quả» sự sống đời đời
Muốn biết «nhân» sinh ra «quả» sự sống đời đời là gì, ta hãy nghe Đức Giêsu nói.
Một trong những «nhân» quan trọng dẫn đến sự sống đời đời là mến Chúa yêu người: «Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ? – Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình» (Lc 10:25.27). Có người đã làm được những điều ấy, thì Đức Giêsu đòi hỏi hỏi họ theo Ngài: «Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ? – Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mt 19:16.21; x. Mc 10:17.21).
Ngoài ra còn phải tin vào Đức Giêsu như Ngài nói: «Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời» (Ga 3:16), và vâng nghe lời Ngài: «Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời» (Ga 5:24), vì lời của Ngài là lời hằng sống, Ngài nói: «Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời» (Ga 6:68). Nhờ tin và vâng nghe lời Ngài mà ta nhận biết Chúa Cha, nguồn gốc của sự sống đời đời, Ngài nói: «Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô» (Ga 17:3).
Sau khi tin Đức Giêsu và nhận biết Chúa Cha, sự sống đời đời đòi hỏi ta sống hết mình cho niềm tin ấy, nghĩa là sống yêu thương và xả thân; Ngài nói: «Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời» (Ga 12:25).
Ngoài ra, để có sự sống đời đời, chúng ta cần được nuôi dưỡng bằng chính máu thịt của Đức Giêsu: «Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời» (Ga 6:54). Nghĩa là càng ngày ta càng phải tiêm nhiễm tính chất yêu thương của Đức Giêsu vào người, dần dần thay thế chất «tôi» bằng chất «Ngài», nói khác đi là được Giêsu hóa, hay biến thành Giêsu để cuối cùng nên giống Ngài hoàn toàn.
Làm như thế, Đức Giêsu sẽ trở thành một nguồn nước trường sinh đem sự sống đời đời cho ta, đồng thời cũng biến chính ta thành nơi mang mạch nước đem lại sự sống cho những người chung quanh, như Ngài từng nói với người phụ nữ Samari: «Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời» (Ga 4:14).
Theo Đức Giêsu, đó là những «nhân» sẽ sinh ra «quả» là sự sống đời đời. Vì thế, muốn được sống đời đời, tức sống hạnh phúc đích thực, chúng ta phải gieo những «nhân» ấy chứ không phải những «nhân» khác. Muốn có sự sống đời đời mà lại gieo những hạt nhân khác với những «nhân» ấy, thì chẳng khác gì muốn trồng lúa mà lại dùng hạt bắp hay hạt cỏ. Hiện nay, biết bao người muốn có sự sống đời đời nhưng lại đang gieo những hạt giống khác với những hạt giống mà Đức Giêsu đã chỉ bảo: chẳng hạn cố gắng giữ cho thật kỹ những thói quen hay tập tục tôn giáo nào đấy, những nghi thức, những buổi cầu kinh… Thế thì thật là «công dã tràng»! Bạn có phải là hạng người đó không?
4. «Duyên» hay những điều kiện
để «nhân» thành «quả»
Những «nhân» vừa kể là tối cần thiết để phát triển thành «quả» sự sống đời đời. Nhưng để phát triển thành quả, cần phải có những điều kiện hay hoàn cảnh thuận lợi.
Đức Giêsu đã đưa ra một số những hoàn cảnh khác nhau:
– «Có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất» (Mt 13:4): Có những người đã trồng đúng hạt giống của sự sống đời đời, nghĩa là đã nhất quyết sống yêu thương, sống tinh thần của Đức Giêsu. Nhưng rất tiếc lòng ham danh, lợi, quyền và những vui thú trần gian, hoặc có những lý thuyết trần tục hấp dẫn họ quá mạnh, lôi cuốn họ vào con đường hưởng thụ cá nhân, ích kỷ, khiến họ từ bỏ việc sống theo tinh thần Đức Giêsu.
– «Có những hạt rơi vào nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô» (Mt 13:5-6): Đây là những người đã khởi sự sống tinh thần yêu thương của Đức Giêsu một thời gian, nhưng vì chưa quyết tâm dứt khốt và sâu xa, chưa xác tín vào con đường theo Chúa, nên khi bị thử thách bởi nghịch cảnh, đã không bền đỗ, đã từ bỏ con đường mình đang theo.
– «Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt» (Mt 13:7): Đây là những người quyết tâm theo Chúa đến cùng, nhưng đồng thời cũng theo đuổi một số đam mê trần tục. Tới một lúc nào đó có sự xung đột giữa hai con đường khiến họ phải dứt khốt chọn một. Lúc đó họ bị con đường trần tục hấp dẫn hơn khiến họ từ bỏ con đường theo Chúa.
– «Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục» (Mt 13:8): Đây là những người quyết tâm theo Chúa đến cùng, lại biết củng cố quyết tâm đó mỗi ngày bằng suy tư lời Chúa, cầu nguyện, từ bỏ mình, hy sinh cho tha nhân. Nhờ đó họ luôn trung thành với tinh thần của Đức Giêsu, bất chấp những khó khăn nghịch cảnh, những cám dỗ của trần thế. Nếu có sa ngã, họ vẫn chỗi dậy được để tiếp tục con đường.
Tùy theo cao độ quyết tâm và mức độ củng cố quyết tâm ấy mà họ đạt tới những mức độ thánh thiện và bản lãnh nội tâm khác nhau. Tuy họ đều đạt được sự sống đời đời hay hạnh phúc đích thực một cách tràn đầy, nhưng dung lượng hạnh phúc ấy khác nhau. Thánh Têrêxa Hài Đồng minh họa sự khác nhau này bằng những bình chứa có dung lượng khác nhau, cái 1 lít, cái 10, cái 100, cái 1000 lít… Cái nào cũng đầy tràn chất lỏng đến nỗi không thể chứa thêm được nữa. Nghĩa là số lượng hạnh phúc đích thực có thể khác nhau rất xa, nhưng ai cũng đều ở mức độ tràn đầy tối đa (100%).
Như vậy, đọc bài Tin Mừng này, ta hãy xác định cho thật rõ mình phải gieo «nhân» nào vào tâm hồn ta để có sự sống đời đời, và sau đó phải tạo «duyên» tức biến tâm hồn ta thành thửa đất tốt bằng cách nào để «nhân» đó phát triển thành «quả». Điều tối quan trọng là đừng gieo lầm «nhân» kẻo uổng công tu tập hay giữ đạo cả đời một cách sai lạc.
III. CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Cha chính là «nhân», là nguồn gốc phát sinh sự sống đời đời ở trong con. Xin Cha hãy càng ngày càng lớn lên và tác động hữu hiệu trong tâm hồn con. Muốn thế, con phải làm cho «cái tôi» của con ngày càng nhỏ đi. Xin cho con biết sống tinh thần tự hủy để Cha hay Tình Yêu có điều kiện thuận lợi lớn lên trong con. Đó cũng chính là sự sống đời đời hay hạnh phúc đích thực của con. Amen.
Nguyễn Chính Kết
_______________Để đọc tiếp bài 2:
Tại sao Đức
Giêsu dùng dụ ngôn?
Web: https://cstm-nam-a.blogspot.com/2023/07/a-tn15b_13.html
Video: https://www.youtube.com/watch?v=Sw05-qlmfVU&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-
_______________
Để đọc tiếp bài 2:
Tại sao Đức
Giêsu dùng dụ ngôn?
Web: https://cstm-nam-a.blogspot.com/2023/07/a-tn15b_13.html
Video: https://www.youtube.com/watch?v=Sw05-qlmfVU&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-
No comments:
Post a Comment