Sunday, October 22, 2023

A-TN30A | Trong Tân Ước, hai điều luật mến Chúa và yêu người được thu gọn thành một điều luật

 

Năm A
Chúa Nhật 30 Thường Niên

(Bài 1)

Trong Tân Ước,
hai điều luật mến Chúa và yêu người
được thu gọn thành một điều luật

 Video: https://www.youtube.com/watch?v=E3NwMtghcFk&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-

I. ĐỌC LỜI CHÚA

Xh 22:20-26: (20) Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập. (21) Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. (22) Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu.

1Tx 1:5c-10: (5) Khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa.

● TIN MỪNG: Mt 22:34-40

Điều răn trọng nhất

(34) Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. (35) Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: (36) «Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?» (37) Đức Giêsu đáp: «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. (38) Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất. (39) Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (40) Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy».


II. CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.  600 điều luật của Cựu Ước bao gồm đủ mọi khía cạnh: như thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện, thực hành các nghi thức tôn giáo, giữ mình trong sạch, yêu thương và đối xử tốt với tha nhân, v.v… Nếu chưa biết lập trường của Đức Giêsu, thì theo quan niệm tự nhiên của ta, ta cho khía cạnh nào là quan trọng nhất?

2.  Theo tinh thần của Đức Giêsu, điều quan trọng nhất trong đời sống Kitô hữu là gì? Bạn có cùng quan niệm như Ngài không? Bạn đã thật sự sống theo quan niệm ấy chưa?

3.   Sống đạo mà không phân biệt được điều nào cốt yếu và điều nào phụ thuộc, nên cứ lấy chính làm phụ, lấy phụ làm chính, thì kết quả thế nào?

Suy tư gợi ý:

1.   Bối cảnh bài Tin Mừng

Người Pharisêu xếp loại các điều luật được ghi trong Cựu Ước thành khoảng 600 điều. Và các luật sĩ thường tranh cãi với nhau trong việc sắp xếp theo thứ tự ưu tiên những điều luật quan trọng nhất. Họ không đồng ý với nhau về vấn đề này, vì phái này đặt nặng khía cạnh này, phái khác lại đặt nặng khía cạnh khác. Có người chủ trương coi việc thờ phượng Thiên Chúa là quan trọng nhất. Có người coi việc sống trong sạch, không nhiễm uế là quan trọng nhất. Có người coi việc giữ thật nhiệm nhặt các giới luật Môsê là quan trọng nhất. Có người coi việc cầu nguyện với Thiên Chúa là quan trọng nhất. Có người coi việc hiệp nhất với Thiên Chúa là quan trọng nhất, v.v… Vì thế, một luật sĩ đã đem vấn đề này ra hỏi Đức Giêsu: «Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?» và Ngài đã trả lời họ rằng có hai điều răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người (x. Mt 22:36-40).

2.   Ta coi điều gì là quan trọng nhất trong đời sống Kitô hữu?

Câu trả lời của Ngài phải khiến chúng ta xét mình lại, và đặt lại vấn đề: trong đời sống Kitô hữu hay tu đức của ta, ta đặt chuyện gì là quan trọng nhất? Ta có theo Đức Giêsu, Thầy của ta, coi hai giới luật ấy là quan trọng nhất không? Rất có thể trong thực tế đời sống, ta đã không cùng một lập trường với Ngài, mặc dù trên lý thuyết, ta hoàn toàn chấp nhận mọi điều Ngài dạy. Điều này bất lợi cho việc phát triển tâm linh của ta, làm ta sống đạo theo kiểu người Pharisêu xưa: điều chính yếu nhất thì ta coi nhẹ, còn những điều phụ thuộc thì ta lại đặt nặng (x. Mt 23:23). Người Pharisêu khi dạy dỗ dân chúng, đã lấy điều chính làm điều phụ, lấy điều phụ làm điều chính, nên Đức Giêsu đã gọi họ là «quân dẫn đường mù quáng!» (Mt 23:24; x.15:24).

Đức Giêsu đã đặt tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân là quan trọng nhất, và coi tất cả những chuyện khác là nhẹ hơn. Điều đó không có nghĩa là Ngài chủ trương bỏ đi những điều phụ thuộc (x. Mt 23:23b).

3.   Đức Giêsu kết hợp hai điều răn quan trọng ấy thành một

Theo Đức Giêsu, không có sự tách biệt giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân. Đối với Ngài, hai tình yêu này chỉ là một tình yêu duy nhất: nghĩa là hễ đã yêu Thiên Chúa thì tất nhiên phải yêu tha nhân. Không thể yêu Thiên Chúa mà lại không yêu tha nhân. Về điều này, thánh Gioan quả quyết: «Ai nói mình yêu Thiên Chúa mà lại không yêu tha nhân thì đó là kẻ nói dối» ( 1Ga 4,20). Thánh nhân còn nói rất mạnh: «Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy» (1Ga 3,10). Nghĩa là ai không yêu thương anh em mình thì người ấy không thuộc về Thiên Chúa (x.1Ga 3,14b; 4,7-8).

Đức Giêsu cũng từng nói với những người Pharisêu: «Giả như Thiên Chúa là Cha của các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến» (Ga 8,42). Câu này đáng cho chúng ta suy nghĩ. Một khi chúng ta đã nhận Thiên Chúa là Cha, thì ắt nhiên chúng ta phải yêu thương đồng loại là anh em của mình, vốn là hình ảnh và là hiện thân của Thiên Chúa giữa chúng ta. Có ai thật sự yêu cha mẹ mà lại không yêu những người anh em cùng sinh ra từ một khúc ruột với mình không? hoặc không coi trọng hình ảnh của các ngài không?

Gương của Đức Giêsu cho thấy: Ngài thờ phượng Thiên Chúa và thể hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa bằng cách yêu thương nhân loạixả thân cho nhân loại. Hành động chết cho nhân loại vì yêu thương họ chính là cách thờ phượng Thiên Chúa cao cả nhất của Ngài. Đối với Ngài, thờ phượng, yêu mến Thiên Chúa và thương yêu nhân loại chỉ là một tình yêu, một hành động duy nhất, không phải là hai tình yêu hay hai hành vi tách biệt. Còn chúng ta, nhiều khi chúng ta tách biệt hẳn việc thờ phượng Thiên Chúa khỏi việc yêu thương tha nhân. Chúng ta không ngờ rằng đó là một thứ rối đạo thực hành từ căn bản. Rối đạo về lý thuyết không trầm trọng bằng rối đạo trong thực hành. Thật thế, biết bao người thờ phượng Thiên Chúa một cách chăm chỉ, sáng lễ chiều kinh, nhưng sống chẳng có tình có nghĩa với đồng loại chút nào. Đúng ra, theo tinh thần Đức Giêsu, sống tình nghĩa, sẵn sàng hy sinh cho tha nhân, yêu thương những người nghèo khổ đói rách, mới là cách thờ phượng Thiên Chúa đúng đắn nhất.

Xét một cách nhân bản, giữa hai quan điểm: một là đặt rất nặng những nghi thức thờ phượng Thiên Chúa nhưng coi nhẹ việc sống yêu thương tha nhân; hai là đặt nặng việc yêu thương tha nhân quan trọng hơn những nghi thức ấy; thì quan điểm nào làm cho thế giới hòa bình hơn, quan điểm nào có thể biến thế giới thành Nước Trời tại thế hơn? Trong lịch sử, ta thấy những tôn giáo đặt rất nặng giới răn thứ nhất mà coi rất nhẹ giới răn thứ hai đã gây nên chiến tranh như thế nào (chẳng hạn trong lịch sử thế giới, đã có những thập tự chinh, những vụ vì Chúa mà thẳng tay giết hại những người theo giáo phái không đồng lập trường thần học với mình, v.v...).

Thiên Chúa muốn chúng ta yêu mến Ngài hơn là muốn chúng ta thờ phượng tôn vinh Ngài bằng những nghi thức bề ngoài. Mà yêu mến Ngài thì không gì đúng bằng việc yêu thương tha nhân, là những hiện thân cụ thể của Ngài trước mắt chúng ta. Không phải là vô ý mà Ngài nói rằng ngày tận thế, Ngài chỉ phán xét theo một tiêu chuẩn duy nhất, là chúng ta đã đối xử với tha nhân, nhất là những người bé mọn, nghèo khổ như thế nào (x. Mt 25,31-46). Cũng không phải vô tình mà Ngài chỉ đưa ra duy nhất có một điều răn: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Chữ «mới» trong câu trên, có thể hiểu là để «thay thế cái cũ» (xem Dt 7:18; 8:13; 10:9b). Khi một thanh niên hỏi Ngài: «Thưa Thầy, tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?» Không phải vô tình mà Ngài không hề đả động gì đến 3 điều răn đầu tiên trong thập giới liên quan đến Thiên Chúa, Cha của Ngài, mà chỉ nêu ra 7 điều răn sau liên quan đến tha nhân thôi (x. Mt 19:16-22). Điều đó có nghĩa là Ngài muốn nhấn mạnh sự quan trọng của việc yêu thương nhau, và muốn chúng ta tập trung vào điều răn này.

Trong tinh thần đó, thánh Phaolô đã tóm gọn toàn bộ lề luật của Thiên Chúa vào một luật duy nhất: đó là yêu tha nhân. Ngài viết: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Mọi điều răn đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Rm 13,8-9). Chúng ta cần nhận ra tính cách mạng trong lời của ngài. Nếu Đức Giêsu và thánh Phaolô không quả quyết như thế, thì người phàm như chúng ta không ai dám nghĩ như vậy. Đó chính là một chân lý quan trọng, mới mẻ, đầy soi sáng, buộc chúng ta thay đổi nếp suy nghĩ cố hữu của mình.

Xin đừng hiểu lầm rằng như vậy là chúng ta phải yêu tha nhân hơn Thiên Chúa, hoàn toàn không phải vậy. Chúng ta phải yêu Thiên Chúa hơn hết mọi người và mọi sự. Nhưng Đức Giêsu muốn chúng ta thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa bằng việc yêu thương tha nhân, là hiện thân và là hình ảnh của Ngài. Vì thế, tình yêu đối với tha nhân chính là thước đo tình yêu của ta đối với chính Thiên Chúa.

4.   Cần cách mạng lối sống đạo và cách loan báo Tin Mừng

Trong cuốn «Người Mục Tử Cộng Đồng hướng về tương lai» (1996) và bài «Con đường đi tới của Giáo Hội Việt Nam hôm nay» (tức tháng 9-2005) của Lm Nguyễn Ngọc Sơn, linh mục cho rằng: Tỷ lệ người Công giáo Việt Nam so với số dân kể từ năm 1933 đến nay (lúc đó là 2005), chưa bao giờ quá 8% và đang có chiều hướng giảm. Nếu dân số Công giáo Việt Nam giảm hoặc chỉ gia tăng theo tỷ lệ gia tăng dân số hằng năm, ta có thể nói rằng việc truyền giáo không đạt được kết quả tốt đẹp. Hơn nữa, tỷ lệ người Công giáo Việt Nam lại đang giảm dần. Vậy có thể nói đến một sự thất bại trong hoạt động rao giảng Tin Mừng không? Vì thế, các mục tử cũng như mọi người trong cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam cần phải suy nghĩ lại về cách sống và cách loan báo Tin Mừng của mình, để xem cách ấy còn có sức thu hút anh em ngoài Kitô giáo và làm phát triển Giáo Hội Việt Nam không?

Vẫn theo thông tin của Lm Nguyễn Ngọc Sơn, trong một giáo phận (xin miễn nói tên) vào năm 1993 có gần nửa triệu giáo dân, với hơn 400 linh mục, 409 tu sĩ nam, 2.086 tu sĩ nữ, chưa kể chủng sinh và mấy ngàn tập sinh, đệ tử, thử hỏi mỗi người trong số ấy đã giúp cho một người trở lại đạo Chúa hằng năm chưa? Điều đó mời gọi chúng ta suy nghĩ về cách rao giảng cũng như về việc đổi mới đời sống chứng nhân của mình. Giáo phận ấy có gần 200 nhà thờ đầy ắp giáo dân trong các buổi sinh hoạt phụng vụ. Nhưng chúng vẫn không thu hút được nhiều anh em lương dân trở về với Đức Kitô. Nói lên những điều này làm chúng ta thật đau lòng, nhưng để chứng minh rằng những giờ kinh lễ, các trường học, hội đoàn, tổ chức từ thiện và hoạt động bác ái chưa phải là yếu tố quyết định cho sự thành công trong hoạt động truyền giáo… Điều đó giúp chúng ta nhận ra rằng cần phải thay đổi phương cách rao giảng Tin Mừng. Nếu chúng ta thay đổi được cách sống đạotruyền đạo, chúng ta mới có thể thu hút được nhiều anh em lương dân gia nhập đàn chiên Chúa. Chúng ta không thể rao giảng Tin Mừng, dạy giáo lý và rửa tội theo phương cách hiện nay. Nhiều người Tây Phương không còn muốn giữ đạo nữa chỉ vì thấy đạo quá xa cách với đời, trong khi đó họ lại gia nhập các giáo phái nhỏ biết lưu tâm tới cuộc sống. Xã hội Việt Nam cũng sẽ tiến tới tình trạng dị ứng với những «nghi lễ - kinh sách - lề luật» của đạo nếu những người mục tử không tìm ra những phương thế mới để biểu lộ Tin Mừng trong cuộc sống.

Và phương cách mới ấy không gì khác hơn là trở về với tinh thần của Đức Giêsu: coi việc mến Chúa yêu người là chính yếu nhất, lấy việc yêu thương và hy sinh cho tha nhân là cách đúng đắn nhất để yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa. Cần phải nhấn mạnh và quan trọng hóa điều chính yếu này lên, đồng thời bớt quan trọng hóa những thứ phụ thuộc khác.

III. CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, đọc bài Tin Mừng hôm nay, con thấy con đã đi sai đường rồi. Con đã coi nhẹ điều mà Đức Giêsu cho là quan trọng nhất, là mến Chúa và yêu người, đồng thời cứ đặt nặng những điều phụ thuộc khác. Xin cho con biết thay đổi cách yêu mến và phụng sự Chúa theo cách của thánh Phanxicô Assisi trong «Kinh Hòa Bình» của ngài, đó là «mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người» chứ không phải chỉ duy nhất trong nhà thờ với những nghi thức thật trang trọng, với đầy vẻ cung kính. Xin giúp con thay đổi cách sống đạo đúng với tinh thần Tin Mừng của Ngài. Amen.

Nguyễn Chính Kết

http://1234chiase.blogspot.com/

_______________

Để đọc tiếp bài 2:

A-TN30B | Tình yêu đối với tha nhân là thước đo tình yêu của ta đối với Thiên Chúa.

Web: https://cstm-nam-a.blogspot.com/2023/10/a-tn30b.html

Video: https://www.youtube.com/watch?v=sSbXXfZf11Y&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-

No comments:

Post a Comment