Sunday, July 2, 2023

A-TN14a - Tránh tự mãn để hiểu biết và kinh nghiệm về Thiên Chúa hơn


Năm A
Chúa nhật 14 Thường Niên

(Bài 1)

Tránh tự mãn để hiểu biết
và kinh nghiệm về Thiên Chúa hơn

 Video: https://www.youtube.com/watch?v=I0fODrEvYcI&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-&index=2&pp=gAQBiAQB

 I. ĐỌC LỜI CHÚA

Dcr 9:9-10: (9) Kìa Đức Vua đang đến với ngươi: Người (…) khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.

● Rm 8:9.11-13: (9) Anh em được Thần Khí chi phối, vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô.

● TIN MỪNG: Mt 11:25-30

Chúa Cha và người Con

(25) Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: «Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. (26) Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha».  (27) «Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

Hãy mang lấy ách của tôi

 (28) «Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (29) Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. (30) Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng».

II. CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.  Người tự mãn với những gì mình đang có, đang biết, thì có thể có thêm, biết thêm nhiều hơn không? Tại sao?

2.  Trong đời sống tâm linh, nếu ta tự mãn với những hiểu biết hay trình độ tâm linh mình đang có, thì có thể tiến bộ về tâm linh hơn không? Tại sao?

3.  Mang lấy ách của Đức Giêsu nghĩa là gì? Tại sao ách Ngài lại nhẹ nhàng?

Suy tư gợi ý:

1.   Muốn đạt chân lý, phải dấn thân trọn vẹn cho chân lý

Một nhà thông thái nọ đến xin một đạo sư truyền đạo cho mình. Đạo sư bèn lấy trà ra để tiếp khách. Nhưng ông làm một điều rất kỳ lạ: nước đã đầy và tràn ra mà ông vẫn cứ rót tiếp. Người khách ngạc nhiên hỏi ông tại sao lại làm như vậy. Đạo sư đáp: «Tâm hồn và lòng trí ông cũng đầy ắp như tách trà này rồi, làm sao chứa thêm những chân lý về đạo được nữa?»

Kinh nghiệm cho tôi thấy: một khi lòng trí tôi mải miết lo chuyện gì, thì tôi không thể mải miết với chuyện khác được, nhất là những chuyện có tính chất trái ngược với chuyện tôi đang mải miết say mê. Đó là một định luật tâm lý rất phổ quát. Cũng vậy, một người đang say mê những chuyện trần tục, những chuyện tầm thường, người ấy khó có thể nhập tâm và hiểu được những chân lý siêu việt của tôn giáo. Vì muốn hiểu và cảm nghiệm được những chân lý này, con người phải dấn thân trọn vẹn cho chân lý. Chân lý tôn giáo giống như viên ngọc quý hay kho báu dấu trong ruộng, phải bán hết tất cả những gì mình có mới mua được (x. Mt 13:44-46). Đối với những ai trong lòng đang đầy ắp «cái tôi» vị kỷ của mình cũng vậy, lòng trí họ không còn chỗ nào cho Thiên Chúa hay Đức Giêsu sống và hoạt động trong họ nữa.

2. Phá chấp, phá «sở tri chướng»

Học sinh cấp một được cô giáo dạy: không được lấy số nhỏ trừ số lớn, vì không thể có 3 trái cam mà lại ăn hết 5 trái được. Với trí óc của em, điều đó hoàn toàn hợp lý, không thể khác được. Nhưng nếu em cứ cố chấp với kiến thức hạn hẹp ấy, em sẽ không thể chấp nhận khái niệm về số âm khi em bắt đầu học cấp 2 vốn coi việc lấy số nhỏ trừ số lớn là chuyện bình thường.

Cũng vậy với các học sinh cấp hai. Các em được dạy rằng trong căn hiệu bậc hai không thể có số âm, vì số trong căn hiệu được giả thiết là bình phương của một số, mà đã là bình phương thì không thể là số âm được. Đối với trình độ cấp 2 của các em, điều đó thật hợp lý, và không thể khác hơn được. Nhưng nếu các em cứ cố chấp với kiến thức cố hữu này, các em sẽ không thể chấp nhận được khái niệm về số ảo được dạy trong chương trình giải tích ở đại học, cho phép có số âm trong căn hiệu bậc chẵn.

Còn nhiều thí dụ khác tương tự trong lãnh vực toán học, vật lý, hóa học, sinh học… Tương tự, với những kinh nghiệm và kiến thức trần gian, nếu cứ chấp vào đó, người ta không thể hiểu được những chân lý cao sâu về tâm linh trong tôn giáo. Cứ chấp cứng vào những quan niệm hay lề lối suy tư của tôn giáo này, ta sẽ vô phương hiểu được quan niệm hay lề lối suy tư của các tôn giáo khác. Hoặc cố chấp vào những điều mà ta cho là chân lý bất biến ở trình độ này, ta không thể tiếp thu được những chân lý ở trình độ cao hơn.

3.   Ai tự mãn với những gì mình đã biết
sẽ không thể biết thêm

Cái lý tất yếu ấy, Đức Giêsu đã nói đến: «Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn» (Mt 11:25). «Các bậc khôn ngoan thông thái» ở đây không có nghĩa là những người khôn ngoan thông thái đích thực, mà đúng hơn là những kẻ tự mãn với sự thông thái của mình, cho rằng sự hiểu biết của mình đã viên mãn, tràn đầy, không cần phải học hay tìm hiểu thêm gì nữa. Một người tuy dốt nát hiểu biết không hơn ai, nhưng lại tự mãn về sự hiểu biết của mình, cũng được liệt vào hạng này. Họ giống như tách trà đã đầy ắp tới miệng, không thể chứa thêm giọt nước nào nữa. Còn «những người bé mọn» ở đây không có nghĩa là những người nhỏ bé, địa vị thấp kém, ít học hành, ít kiến thức, mà có nghĩa là những người tự cho mình là còn biết rất ít, hoặc chưa biết gì cả. Những người này bao gồm cả những người hết sức thông thái nhưng không cho rằng mình biết tất cả, vẫn sẵn sàng lắng nghe và học hỏi nơi người khác. Tâm hồn họ như một ly chưa đầy, sẵn sàng đón nhận những gì từ ngoài vào.

Hai hạng người trên, với thời gian, hạng thứ nhất – tự mãn với những hiểu biết của mình – sẽ không tiếp nhận thêm được gì nữa, nên dần dần sẽ bị lạc hậu khi sống trong một thế giới hay xã hội ngày càng tân tiến. Họ cho rằng những điều họ từng tiếp thu được đã viên mãn, trọn vẹn, là những chân lý bất biến rồi, nên không thể chấp nhận điều gì khác hay ngược với những kiến thức ấy. Họ cố chấp với những hiểu biết ấy, nên không thể tiến xa và lên cao hơn được nữa. Họ như một học sinh cấp một, cứ nhất định rằng không thể lấy số nhỏ trừ số lớn được, nên từ chối không học cấp hai, vì không chấp nhận được khái niệm về số âm. Phật giáo gọi sự cố chấp này là «sở tri chướng», nghĩa là chính sự hiểu biết của mình là chướng ngại cản trở mình hiểu biết thêm. Còn hạng thứ hai, cho dù hiểu biết nhiều tới đâu, vẫn cảm thấy mình còn rất nhiều điều chưa biết, và những gì mình đã biết còn rất phiến diện, thiếu sót, nên không tự mãn mà khao khát và sẵn sàng học hỏi thêm. Vì thế, họ vẫn còn khả năng tiếp thu thêm những điều mới lạ. Socrate, một triết gia lỗi lạc thời thượng cổ, nói: «Điều tôi biết chắc chắn là: tôi không biết gì cả». Những người có thái độ như ông, cho dù có thông thái tới đâu, cũng là «những kẻ bé mọn» mà như Đức Giêsu nói, sẽ được Chúa Cha mặc khải cho những chân lý quan trọng.

4. Bé mọn trong đời sống tâm linh

Để hiểu biết về thế giới vật chất hữu hạn này mà người ta đã phải phá chấp không biết bao nhiêu lần mới có thể tiến bộ và lên cao hơn cấp độ mình đang có. Để hiểu được một giả thuyết khoa học mới, phải chấp nhận giả thuyết cũ là còn thiếu sót. Vật chất hữu hạn mà còn vậy, huống hồ Thiên Chúa vô hạn, siêu việt, siêu nghiệm, không bao giờ hiểu cho hết được! Vì thế, để hiểu biết về Thiên Chúa, nếu ta cứ tự mãn hay cố chấp vào những hiểu biết cũ thì ta sẽ ở mãi trong trình độ thấp kém của mình, không thể tiến xa hơn được. Đúng ra càng sống đạo lâu, sự hiểu biết, khám phá và kinh nghiệm về Thiên Chúa của ta càng phải mới lạ, sâu xa và phong phú hơn. Thánh Phaolô viết: «Với thời gian, lẽ ra anh em phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em vẫn còn phải dùng sữa. Thật vậy, phàm ai còn phải dùng sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ» (Dt 5:12-14). Khi còn nhỏ, ta chỉ có thể ăn sữa, và ăn sữa là đủ để ta sống. Nhưng khi lớn lên, thức ăn lỏng như sữa không cung cấp đủ năng lượng cần thiết để ta sống và sinh hoạt.

Cũng vậy đối với đời sống tâm linh. Khi mới bước vào đời sống tâm linh, ta cần dùng một thức ăn tâm linh sơ đẳng: chẳng hạn ta cầu nguyện bằng những lời kinh đã dọn sẵn, nhờ đó ta tập nói chuyện với Chúa. Và lúc đó thức ăn tâm linh đó đủ cho sự sống tâm linh còn non nớt của ta. Nhưng nếu ta không nâng cấp cách cầu nguyện ấy lên, tâm linh ta không thể lớn lên được. Cách cầu nguyện đơn giản ấy không đem lại đủ sức mạnh để ta chu toàn những phận sự ngày càng khó khăn và nặng nề hơn của ta, không giúp ta vượt qua được những trở ngại lớn lao mà ta gặp trên đường đời, và thắng được những cơn cám dỗ mạnh mẽ. Ta cần thực tập những cách cầu nguyện cao hơn: cầu nguyện tự phát bằng chính những tâm tình có thật, những nhu cầu có thật của ta. Hoặc cao hơn nữa, cầu nguyện bằng cách ý thức sâu xa sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn ta, bằng cách lắng nghe Chúa nói trong đáy lòng ta, bằng sự kết hiệp thân mật với Thiên Chúa… Những cách cầu nguyện cao cấp đem lại cho ta nhiều sức mạnh, nhiều niềm vui hơn, nhờ đó ta có nhiều kinh nghiệm về Thiên Chúa hơn…

Nếu ta tự mãn với tình trạng tâm linh hiện tại của ta, đời sống tâm linh của ta không thể lớn lên và mạnh mẽ được. Trái lại, nếu ta nhìn nhận rằng ta cần phải tiến bộ nhiều hơn, sẵn sàng đón nhận những hiểu biết và kinh nghiệm mới mẻ về Thiên Chúa, những cách thức sống đạo mới hơn, cao hơn, thực tế hơn, bớt hình thức mà đi vào chiều sâu hơn, thì ta sẽ thấy mình dần dần tiến cao hơn, và dễ dàng sống thánh thiện, vị tha, hy sinh cho Thiên Chúa và tha nhân hơn. Nếu cá nhân cần phải loại trừ tính tự mãn mới tiến bộ được, thì các tập thể, kể cả quốc gia, tôn giáo, cũng phải như vậy.

III. CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, tâm hồn con nặng trĩu những âu lo, phiền muộn, chỉ vì con đã đặt nặng «cái tôi» của mình nhiều quá. «Cái tôi» của con đã chiếm hết không gian tâm thức của con, và gây ra biết bao xáo trộn, xung đột với tha nhân, với lương tâm, với bổn phận, tạo nên bao phiền muộn, lo lắng, sợ hãi… Cái ách của «cái tôi» thật nặng nề. Xin cho con biết mang lấy ách nhẹ nhàng của Đức Giêsu, bằng cách «từ bỏ mình», là điều kiện đầu tiên mà Ngài đòi buộc những ai theo Ngài phải thực hiện. Từ xưa đến nay, con chỉ mang danh theo Chúa thôi, chứ thực tế con chưa hề theo Ngài bao giờ, vì con chưa hề «từ bỏ mình». Con vẫn coi «cái tôi» của mình quan trọng quá mức! Ai nói động đến con là con nổi tam bành lên. Xin cho con hiểu rằng điều kiện tiên quyết để theo Chúa là từ bỏ chính «cái tôi» của mình. Nhờ thế, những ai theo Chúa đích thực luôn luôn được bình an, hạnh phúc và tràn đầy sức mạnh.

Nguyễn Chính Kết

http://1234chiase.blogspot.com/ 

_______________
Để đọc tiếp bài 2:

Mang lấy ách tình yêu của Đức Giêsu, là dẹp bớt «cái tôi» của mình đi (09/07/2023)

Web: https://cstm-nam-a.blogspot.com/2023/07/a-tn14b.html

Video: https://www.youtube.com/watch?v=fNpG0y9rwqY&list=PLV5k4sBhQLw5lOD3zUW35x-n9Aw6wUmo-&index=2&pp=gAQBiAQB

No comments:

Post a Comment